Cốc tinh thảo làm sáng mắt

05-11-2015 09:00 | Y học cổ truyền

SKĐS - Cốc tinh thảo là tên thuốc trong y học của cây cỏ dùi trống. Cây mọc hoang trên đất ẩm: ruộng thấp, bãi lầy, vùng ven biển nước ta.

Cốc tinh thảo là tên thuốc trong y học của cây cỏ dùi trống. Cây mọc hoang trên đất ẩm: ruộng thấp, bãi lầy, vùng ven biển nước ta. Bộ phận dùng làm thuốc của cây là toàn cụm hoa còn nguyên cuống (cốc tinh thảo) hoặc ngắt bỏ cuống (cốc tinh châu), thu hái về mùa thu, rửa sạch, phơi âm can dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác.

Theo Đông y, cốc tinh thảo có vị cay, ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, khu phong, minh mục, làm sáng mắt, tiêu màng mộng, chủ trị các bệnh về mắt.

Chữa viêm kết mạc: cốc tinh thảo 20g, phòng phong 20g. Hai vị phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2g.

Chữa mắt đỏ kéo màng: cốc tinh thảo 20g, long đờm thảo 10g, ngưu bàng, kinh giới, phục linh , cam thảo, hồng hoa, sinh địa, mộc thông, xích thược, mỗi vị 8g. Tất cả sao qua, tán thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3-6g.

Chữa quáng gà, khô mắt: cốc tinh thảo 20g, vỏ hến nung 20g, cúc hoa vàng 10g, thảo quyết minh 10g, khởi tử 8g. Tất cả phơi khô, tán bột mịn. Người lớn mỗi ngày 12g, trẻ em 4-5g/ ngày tùy theo tuổi.

Chữa phong nhiệt, đau mắt, đau đầu: cốc tinh thảo 20g, huyền sâm 16g, kinh giới 12g, dành dành 12g, mộc thông 12g, thanh ngâm 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml còn 100ml, chia 2 lần, uống trong ngày.

Theo tài liệu nước ngoài, chữa đục thủy tinh thể: cốc tinh thảo phối hợp với ngao biển và sò huyết, mỗi thứ 50g, sao khô, tán nhỏ, nấu với gan lợn đã thái mỏng (100g) và một bát nước cơm. Ăn cái, uống nước trước khi đi ngủ.

BS. Ngô Thị Thắm

 


Ý kiến của bạn