Cốc tinh thảo chữa đau mắt, đau răng

SKĐS - Cốc tinh thảo còn có tên là cỏ dùi trống, đầu đinh. Bộ phận dùng làm thuốc là hoa và cuống hoa tự cán phơi hay sấy khô của cây cỏ dùi trống (Eriocaulon sexangulare L.), thuộc họ cốc tinh thảo (Eriocaulaceae).

Sau khi gặt lúa xong thì cỏ xuất hiện, nhờ dư khí của lúa sinh ra cỏ nên gọi cốc tinh thảo.

Theo Đông y, cốc tinh thảo vị cay ngọt, tính bình; vào kinh Can. Có tác dụng sơ phong, tán nhiệt, minh mục. Chữa phong nhiệt tích tụ, mắt có màng mộng, quáng gà, đau mắt, đau răng, đau đầu, đau cổ họng, chảy máu mũi, sốt, tiểu tiện khó. Ngày dùng 12 - 62g.

Cốc tinh thảo được dùng làm thuốc trị các chứng:

Tan màng mộng, sáng mắt: Dùng khi phong nhiệt làm cho mắt đỏ có mộng, sợ ánh sáng.

Bài 1: cốc tinh thảo 12g, phòng phong 12g. Sắc uống. Trị màng mộng ở mắt (viêm kết mạc).

Bài 2: cốc tinh thảo 63 - 125g, gan lợn 125g. Chưng lên uống. Trị trẻ cam tích, nhìn không rõ, mắt đỏ, sợ ánh sáng.

Bài 3: cốc tinh thảo 20g, vỏ hến nung 20g, cúc hoa 10g, thảo quyết minh 10g, khởi tử 8g. Các vị tán bột. Người lớn uống 12 - 15g/ngày; trẻ em 4 - 5g/ngày. Chữa quáng gà.

Bài 4: cốc tinh thảo 20g, kỷ tử 20g, cúc hoa 20g, thục địa 20g, phòng phong 30g. Sắc uống. Chữa viêm kết mạc, viêm giác mạc, quáng gà.

Bài 5: cốc tinh thảo 12g, mộc tặc 12g, thảo quyết minh 12g, sài hồ 8g. Sắc uống. Trị can thận đều hư gây đau mắt.

Trừ phong nhiệt, giảm đau. Trị chứng phong nhiệt gây đau đầu, đau răng, đau họng.

Bài 1: Bột cốc tinh long đởm: phục linh, xích thược, ngưu bàng tử, cốc tinh thảo mỗi loại 12g; kinh giới, mộc thông, long đởm thảo mỗi loại 8g; sinh địa 16g, hồng hoa 4g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị đau mắt đỏ kéo mộng, thiên đầu thống, đau răng do phong hoả.

Bài 2: cốc tinh thảo 20g, huyền sâm 16g, kinh giới, chi tử, mộc thông mỗi loại 12g; thanh ngâm 8g. Sắc uống. Chữa phong nhiệt gây nhức đầu, đau mắt.

Bài 3: cốc tinh thảo 20 - 50g. Sắc uống. Trị răng lợi sưng đau.

Bài 4: cốc tinh thảo, diệp hạ châu, rau má, diếp cá mỗi loại 30g; lá tre 20g. Sắc uống. Trị viêm gan vàng da.

Kiêng kỵ: Người bệnh âm hư huyết thiếu không dùng.


Lương y Thảo Nguyên
Ý kiến của bạn