Hà Nội

Cóc mẳn chữa viêm mũi dị ứng

SKĐS - Cóc mẳn, còn được gọi là cúc mẳn, cúc ma, cỏ the, nga bất thực thảo..., có tên khoa học là Centipeda minima (L.).

Cóc mẳn, còn được gọi là cúc mẳn, cúc ma, cỏ the, nga bất thực thảo..., có tên khoa học là Centipeda minima (L.). Cóc mẳn phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng, trung du và núi thấp, thường mọc nhiều ở những nơi ẩm thấp, ruộng bỏ hoang.

Đây là một loại cỏ mềm, mọc bò lan trên mặt đất, phân rất nhiều cành, ở ngọn có lông mịn trắng, nhưng toàn thân trông nhẵn bóng, lá đơn mọc so le, hình ba cạnh, đầu tù, phía cuống hẹp lại, mép có hai răng cưa, dài 10 - 18mm, rộng 6 - 10mm, gân chính hơi nổi ở dưới mặt lá, gân phụ không rõ, không có cuống. Người ta thường thu hái lúc cây ra hoa, dùng tươi hay phơi khô. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cóc mẳn có tác dụng giảm ho, long đờm và chống dị ứng khá mạnh.


Theo dược học cổ truyền, cóc mẳn vị cay, tính ấm, không độc, có công dụng trừ phong, tán hàn, tiêu viêm, giải độc, thông mũi họng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như cảm mạo, viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng, sốt rét, ho gà, mắt đau sưng đỏ có màng mộng, chốc lở, eczema, rắn cắn, tổn thương do trật đả... Cùng với các vị thuốc khác như kim ngân hoa, tân di, hoa cứt lợn tím, thương nhĩ tử..., cóc mẳn cũng có tác dụng chữa viêm mũi dị ứng khá tốt.

Cách dùng cụ thể như sau: Lấy cóc mẳn tươi rửa sạch, vò nát rồi nút vào lỗ mũi từng bên một trong khoảng 30 phút, mỗi ngày làm 2 lần. Hoặc dùng cóc mẳn phơi khô, tán thành bột rồi thổi vào lỗ mũi, mỗi ngày vài lần.

Hoặc dùng bông gòn vô khuẩn thấm nước muối sinh lý, lăn qua bột cóc mẳn rồi nhét vào lỗ mũi từng bên một, sau 30 phút thì lấy ra, mỗi ngày làm 1 lần. Hoặc dùng cóc mẳn sắc đặc thành dạng cao rồi tẩm vào bông gòn vô khuẩn và nút vào lỗ mũi, sau 1 giờ thì lấy ra, mỗi ngày làm 1 lần. Nếu kết hợp sắc cóc mẳn 20g khô hoặc 40g tươi chia uống vài lần trong ngày thì hiệu quả càng cao hơn.


ThS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn