Hà Nội

Cô y sĩ phòng chống “ết” của buôn làng

29-10-2017 22:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Lúc đầu vì mình chưa thể mở ra một buổi nói chuyện chuyên đề nên phải xin vài phút để họp lồng ghép trong các buổi họp của buôn làng”, H’Đum nhớ những ngày đầu nói chuyện về HIV. Cả tháng trời, cứ hễ H’Đum xin vài phút để nói về HIV trước khi nói về các chuyên đề khác thì bà con đã ồn ào: “mình vào vấn đề chính của buổi họp luôn đi. Chúng tôi không có thời gian để nghe những chuyện không đâu như thế này”...

 

 

Lúc đầu vì mình chưa thể mở ra một buổi nói chuyện chuyên đề nên phải xin vài phút để họp lồng ghép trong các buổi họp của buôn làng”, H’Đum nhớ những ngày đầu nói chuyện về HIV. Cả tháng trời, cứ hễ H’Đum xin vài phút để nói về HIV trước khi nói về các chuyên đề khác thì bà con đã ồn ào: “mình vào vấn đề chính của buổi họp luôn đi. Chúng tôi không có thời gian để nghe những chuyện không đâu như thế này”...

Cô bé nói nhiều và ước mơ trở thành phát thanh viên

Gặp H’Đum Êban (34 tuổi, dân tộc Ê Đê, Buôn D’Rai H’Linh, Buôn Ma Thuột) trong một buổi chiều cuối thu nơi núi rừng Tây Nguyên. Cảm giác thật khác lạ, đầy xúc động khi lần đầu tiên được trò chuyện với một cô gái đậm chất Tây Nguyên có đôi mắt đen, sáng, làn da nâu và nụ cười rạng rỡ...

Ngay từ nhỏ cô đã mơ ước được trở thành Phát thanh viên của đài Truyền hình tỉnh. Khi các bạn chơi búp bê và trò gia đình, H’Đum đã biết tập hợp các bạn lại và nói chuyện như một cô phát thanh viên thực thụ. Lạ là, lũ trẻ trong buôn lại nghe lời H’Đum răm rắp. Mọi lời nói của cô bé nói ra, chúng lắng nghe và như nuốt chửng từng câu chữ. Thế rồi, niềm mơ ước lớn dần lên. Khi đã hiểu biết nhiều hơn, cô càng muốn đưa thật nhiều thông tin bằng chính tiếng mẹ đẻ đến cho bà con nơi mình sinh sống. H’Đum bảo: Dân mình thời đó nghèo lắm, nghèo từ vật chất đến tinh thần. Cuộc sống của bà con trong buôn có khi chỉ gói gọn từ ngọn đồi này sang ngọn núi kia. Nhiều lúc muốn chia sẻ những kiến thức mình học được, mình biết được cho bà con mà cũng khó khăn vô cùng... Nhưng khi tốt nghiệp cấp 3, vì nhiều lý do, H’Đum lại chuyển sang một hướng khác: Nghề y. Năm 2005, H Dum thi và theo học tại Trường trung cấp y Tây Nguyên.

H'Đum trong một buổi phát thanh tại Trạm y tế xã Hòa Xuân.

Thường tâm lý bệnh nhân không thích sinh viên thực tập chăm sóc hay thực hiện bất cứ kỹ thuật gì trên người bệnh. Nhưng với H’Đum lại khác, trước khi thao tác kỹ thuật gì, cô đều nói chuyện với bệnh nhân. Có lẽ do cô có khả năng nói thiên bẩm từ bé nên sau khi nói chuyện, bệnh nhân đều hài lòng... Chính vì vậy, H’Đum được nhiều bệnh nhân nhớ và quý. “Đến bây giờ mình vẫn nhận được tình cảm này của bà con nơi mình công tác, cả người Êđê và anh em người Kinh khi đến trạm y tế muốn được mình tiêm thuốc, khâu hoặc rửa viết thương cho họ và gia đình, nhiều người nói vui: "Vẫn thuốc đó nhưng tay nó mát nên tiêm không đau".

Tạm gác lại ước mơ thời niên thiếu, H’Đum trở thành y sĩ tại Trạm y tế xã Hòa Xuân (tp. Buôn Ma Thuột-Tây Nguyên).

Và một tuyên truyền viên “ết” tích cực

“Khi về trạm y tế mình không phải là người chuyên trách về truyền thông, nhưng khi xem xét những nhu cầu của địa phương thì bác trưởng trạm xem xét và quyết định giao cho mình nhiệm vụ này”, H’Đum chia sẻ. Có lẽ, trong H’Đum vốn đã có sẵn "ước mơ trở thành 1 cô phát thanh viên” nên khi được nhận công việc "NÓI là chính", cô rất mừng vì là bằng cách này H’Đum có cơ hội thực hiện được ước mơ của mình!

Bắt tay vào việc, H’Đum lo lắng lắm, vì học y mà bây giờ lại làm chuyên về truyền thông-một phương diện đòi hỏi người thực hiện đầu tư rất nhiều tâm huyết và thời gian.  Các chương trình thuyền thông về bệnh theo mùa, bệnh dịch… đều được kết hợp với ban ngành của xã thực hiện phát thanh trên loa đài, trừ khi có chiến dịch lớn là phải xuống cộng đồng. Mày mò, tìm hiểu, rồi tham khảo đồng nghiệp... dần dần H’Đum đã trở nên nhuần nhuyễn với các công việc được giao.

Tuyên truyền mọi nơi, mọi lúc.

Nhưng khi triển khai mô hình điểm về phòng chống HIV/AIDS tại xã cụ thể là 3 buôn đồng bào và một số hộ dân tộc Kinh sinh sống, H’Đum lại gặp khó khăn. Việc tiếp cận bà con cũng phải chọn lúc thích hợp, chưa kể đến thông điệp về HIV hoàn toàn mới lạ với người dân. Với nhiều bà con, HIV là một căn bệnh gớm giếc, những đối tượng mắc phải là những người không lành mạnh, buôn làng không thể chấp nhận được... Cứ mỗi khi tư vấn HIV cho một người nào đó thì trong buôn lại xì xào "có lẽ người đó bị HIV nên mới bị mời để tư vấn"...

Truyền thông xen giữa các giờ nghỉ.

Sau nhiều lần thất bại, H’Đum nghĩ, “phải có cách khác mới có thể tuyên truyền về HIV cho bà con mình được”.

Những ký ức không quên

“Lúc đầu vì mình chưa thể mở ra một buổi nói chuyện chuyên đề nên phải xin vài phút để họp lồng ghép trong các buổi họp của Buôn làng”, H’Đum nhớ những ngày đầu nói chuyện về dịch HIV, về dịch AIDS. Cả tháng trời, cứ hễ H’Đum xin vài phút để nói về HIV trước khi nói về các chuyên đề khác thì bà con đã ồn ào: “mình vào vấn đề chính của buổi họp luôn đi. Chúng tôi không có thời gian để nghe những chuyện không đâu như thế này”. Hay "những bệnh tật mà không liên quan gì tới mình thi không nên đưa ra nói, theo tôi các cô nói về bệnh mà bà con thường gặp thì thấy thiết thực hơn...”. Vậy là, bà con không muốn nghe. H’Đum chỉ biết dừng lại buổi nói chuyện cùng với lời cảm ơn bà con vì đã góp ý. Buồn và thất vọng. Cô nghĩ, có phải mình đối diện với một cá nhân hay một hộ gia đình đâu, mà chính là đang phải đối mặt với người thân, bạn bè với cả buôn làng với biết bao nhiêu thành phần.

Thời gian ấy, có lúc cứ nhìn thấy lịch buổi nói chuyện trong buôn, H’Đum lại muốn bỏ cuộc. “Nhưng em nghĩ trên đời làm việc gì cũng có hai mặt, có buồn sẽ có vui, có thất bại ắt sẽ có thành công. Nếu mình bỏ cuộc thì mình sẽ hối hận suốt đời biết đâu vì sự nản lòng của mình sẽ dẫn những điều tội tệ không đáng xảy ra cho bà con của mình...”, H’Đum nhớ lại.

Phải tìm được sự hỗ trợ của mọi người ngay từ gia đình, người thân, bạn bè mình... Nghĩ là làm. H’Đum thử một cách khác: “Nếu trong gia đình mình có người sống chung với HIV thì sao?”. Cả buôn làng im lặng. Lúc đó, H’Đum nói thêm: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh cơ mà đúng không ạ?". Hồi lâu rồi bà con cũng gật đầu đồng ý. “Vậy thì con xin phép bà con hãy cho con cơ hội góp phần nhỏ bé của mình cùng bà con trong việc phòng này. Con hứa sẽ làm hết sức mình, điều gì con không giải quyết thì con sẽ là người chịu trách nhiệm ghi nhận và hỏi tận nơi các cô chú là cấp cao, là các chuyên gia để bà con có được câu giải đáp thỏa  đáng, được không ạ?”. Cả hội trường im phăng phắc, nhưng ngay sau đó là một tràng vỗ tay ủng hộ. Khi ấy H’Đum vui đến trào nước mắt. Vậy là những nỗ lực của H’Đum đã được đền đáp.

Trong một buổi truyển thông tại nhà rông của buôn.

Bây giờ thì bà con trong buôn làng đã muốn tìm hiểu, muốn được biết và  bắt đầu đặt ra những thắc mắc về HIV, về AIDS...  Những lời phát biểu khó nghe trước đây không còn nữa. Những kiến thức về bao cao su, về tình dục an toàn.. . cũng không còn xa lạ với bà con nơi đây.

Câu chuyện về những buổi truyền thông cho bà con trong buôn làng làm cho quãng đường đến nhà rông trở nên ngắn lại. Chiều đang dần buông. Cánh rừng trước mặt chuyển màu xanh thẫm. Tối nay, H’Đum có kế hoạch đi truyền thông cho bà con ở Buôn Buor. Quãng đường đi sang Buôn Buor có đoạn rất xấu, chưa có đèn đường, lại thường xảy ra tai nạn giao thông, trấn lột…


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn