(SKDS) – U xơ vòm mũi họng được khẳng định là một khối u lành tính nhưng khối u này có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh khi lan rộng vào nội sọ hoặc chảy máu quá nhiều dẫn đến suy kiệt.
Chỉ cần thăm khám nhẹ có thể gây chảy máu ồ ạt từ khối u
Khối u này đúng như tên gọi của nó - xuất phát từ vòm mũi họng. Tần suất khối u chiếm khoảng 0,5% tổng số các khối u vùng đầu mặt cổ. Khối u là một búi mạch từ hệ thống động mạch hàm trong (thuộc hệ động mạch cảnh ngoài) nên được lấy tên là u xơ vòm mũi họng.
U xơ vòm mũi họng nằm ngay dưới niêm mạc vùng họng mũi, khu trú ở thành bên của họng mũi hay cửa mũi sau. Do cấu tạo như thế nên u xơ vòm mũi họng là một khối giàu mạch máu và chỉ cần một tác động nhẹ do va chạm khi thăm khám hoặc viêm nhiễm, máu có thể chảy ồ ạt từ khối u.
Khám phát hiện u xơ vòm mũi họng. |
Người mắc u xơ vòm mũi họng
có khuôn mặt đặc biệt
Nguyên nhân hình thành khối u xơ vòm mũi họng chưa được xác định rõ ràng nhưng người ta cho rằng do rối loạn nội tiết ở trẻ nam đến tuổi trưởng thành do đó trường hợp điển hình để bác sĩ nghĩ đến bệnh lý u xơ vòm mũi họng khi gặp một bệnh nhân nam, độ tuổi từ 15 - 25, đến khám vì tình trạng ngạt tắc mũi một bên, chảy máu tươi tái diễn từng đợt, ngày một nặng làm bệnh nhân trong tình trạng thiếu máu từ trung bình đến nặng tùy số lượng chảy máu mỗi lần.
Trước đây do người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời nên hình ảnh khối u xơ vòm mũi họng gây “ám ảnh” trong đầu người thầy thuốc là người bệnh có bộ mặt biến dạng với nhãn cầu bị đẩy lồi ra khỏi hốc mắt, mũi mở rộng và bè ra, má phồng lổn nhổn như đá cuội. Nếu những bệnh nhân này đến bệnh viện điều trị sớm thì không còn gặp những trạng thái biến dạng khuôn mặt như vậy nữa. Khi khối u được lấy bỏ ra khỏi cơ thể, đem ra quan sát thì thấy đây là một khối u cứng, màu đỏ thẫm, kích thước trung bình 4x5cm, chia thành nhiều thùy, có thể có cuống hoặc không, cấu trúc là tổ chức xơ mạch.
Để phát hiện sớm khối u cần lưu ý
Biểu hiện ở giai đoạn đầu là ngạt tắc mũi một bên ngày càng tăng kèm theo chảy nước mũi nhầy, thỉnh thoảng hốc mũi bên ngạt chảy máu đỏ tươi, tần suất chảy tăng dần. Giai đoạn này nếu người bệnh được đưa đến khám ngay thì việc xử trí sẽ rất tốt bằng phương pháp mổ nội soi và kết quả cũng khả quan, tỷ lệ tái phát dưới 10%. Khi khối u to ra, các triệu chứng trên nặng dần đồng thời xuất hiện thêm một số triệu chứng mới do chèn ép các cơ quan lân cận: ù tai và nghe kém do tắc vòi tai, thỉnh thoảng bệnh nhân nhức đầu, thể trạng suy kiệt.
Bệnh nhân có thể nhìn đôi khi khối u ăn mòn xương sọ, chèn ép dây thần kinh thị giác hoặc mất ngửi do viêm nhiễm niêm mạc mũi, tắc mũi, tổn thương thùy thái dương. Đau nhức mắt. Khám mũi thấy khối u màu hồng ở vòm, cửa mũi sau ngay dưới niêm mạc, chạm vào dễ chảy máu. Khi hệ thống đèn khám nội soi tai mũi họng chưa phát triển, khối u thường thấy khi đã lan vào trong hốc mũi, đôi khi bị nhầm với tổ chức V.A còn sót lại hoặc với u vòm. Một số phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ là CT scan có bơm thuốc cản quang, MRI, chụp mạch: đánh giá tình trạng mạch nuôi.
Hình ảnh khối u xơ vòm mũi họng qua nội soi. |
Điều gì xảy ra nếu để khối u vòm
phát triển tự nhiên?
Nếu để phát triển tự nhiên khối u xơ sẽ xâm nhập vào: thành sau bên họng mũi, hố chân bướm hàm, phía trước, khối u lan vào hốc mũi và họng mũi, thành bên: hố chân bướm hàm, hố dưới thái dương. Giai đoạn này khối u phá hủy xương đẩy lồi nhãn cầu ra trước, làm mất xương khẩu cái, vào xoang hàm, tiêu xương hàm trên và nổi phồng dưới da. Khối u có thể chui vào não.
Cách xử lý triệt để khối u vòm
Phẫu thuật là biện pháp triệt để nhất để lấy được toàn bộ khối u đặt ra trong bệnh lý này. Người ta sẽ thực hiện mổ nội soi khi khối u còn khu trú sau khi thực hiện biện pháp làm tắc nguồn mạch nuôi dưỡng khối u. Khi khối u quá to, việc lấy bỏ khối u khó khăn hơn qua được mở rộng ngay cạnh mũi. Tia xạ làm teo khối u khi khối u lan rộng, xâm lấn nội sọ không thể phẫu thuật được. Điều trị nội tiết được kết hợp sau mổ hoặc sau tia xạ. Tỷ lệ tái phát 50%.
TS.Phạm Bích Đào