Công chúng yêu âm nhạc, nhất là thế hệ đã trải qua những năm tháng chiến tranh đều nhớ đến 3 ca khúc viết về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên: Đảng cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng cho ta cả một mùa xuân, Màu cờ tôi yêu. Đó là những dấu ấn đi cùng năm tháng trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Ba bài hát về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là cỗ xe tam mã hướng người ta về một lý tưởng cao đẹp...”.
Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng viết năm 1959, là bài hát đầu tiên nhạc sĩ Phạm Tuyên viết về Đảng, khi ông mới 29 tuổi, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là thời điểm đất nước bị chia cắt làm hai miền, Hiệp định Giơ-ne-vơ về hiệp thương thống nhất đất nước lẽ ra được thực hiện vào tháng 7/1956, nhưng ngụy quyền Sài Gòn lật lọng nên tình trạng chia cắt đất nước vẫn bị kéo dài. Ở miền Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp những người kháng chiến cũ. Trên thế giới lúc ấy cũng xảy ra bất ổn tại một số nước XHCN ở Đông Âu (Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari...). Trong bối cảnh ấy, nhạc sĩ Phạm Tuyên mong muốn được bày tỏ niềm tin và hy vọng đối với thắng lợi của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tình cờ ông đọc được bài thơ của Louis Aragon - một nhà thơ Cộng sản Pháp (qua lời dịch của nhà thơ Tố Hữu) với những câu ông rất tâm đắc “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng. Trước như tuổi thơ tôi nào biết được... Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà”. Lời thơ ấy cộng với số phận của con người quả cảm đã chạm vào trái tim ông. Ông tâm sự: Tôi đến với Đảng lúc còn ở bộ đội. Tất cả xuất phát từ lòng yêu nước của một thanh niên đi tìm chân lý. Hồi đó, những điều rõ nhất đập vào mắt tôi là nơi nào khó khăn, gian khổ, hy sinh xương máu thì nơi đó cần đảng viên. Tình cảm với Đảng bắt đầu từ những nhận thức như thế... Đó là tình cảm của một trí thức như tôi lúc bấy giờ. Vì thế tôi đã viết trong một tâm trạng cởi mở, tự nhiên, từ sự hứng khởi và xúc cảm của trái tim để nói lên tình cảm của mình với Đảng chứ không vì bất cứ lý do nào, không phải vì bất cứ “đơn đặt hàng” hay yêu cầu nào.
NSND Trần Hiếu và ca sĩ nhí Jayden Trịnh hát mừng nhạc sĩ Phạm Tuyên (giữa). Ảnh: Vân Ngọc
Mùa xuân năm 1960, cả miền Bắc sôi nổi kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, nhiều nhạc sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đều nghĩ phải có thêm nhiều tác phẩm ca ngợi Đảng và Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Không khí đón Tết cổ truyền, mừng xuân Canh Tý (1960) thật vui tươi và phấn khởi sau 6 năm miền Bắc sống trong hòa bình, xây dựng. Hòa trong niềm vui, phấn khởi kỷ niệm Ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, nhạc sĩ Phạm Tuyên tiếp tục cho ra đời ca khúc Đảng đã cho ta cả một mùa xuân.
Cả nhạc và lời bài ca đến với ông một cách tự nhiên theo một nhịp điệu tươi tắn, nhẹ nhàng. Bài hát có lời kết như một lời chúc mừng đầy hy vọng: Bạn ơi mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá. Khi lý tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta. Bài hát vừa ra đời đã có ngay sự cộng hưởng của tuổi trẻ lúc đó như chính tình cảm mà tác giả mong muốn và được phổ biến khá rộng rãi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dịp Tết năm 1976, nhạc sĩ có dịp vào TP. Hồ Chí Minh, ông thật sự cảm động đến ngạc nhiên khi thấy tuổi trẻ ở thành phố mới giải phóng này đã hát vang bài Đảng đã cho ta cả một mùa xuân. Âm nhạc góp phần không nhỏ làm tăng nhịp nối tình cảm của tuổi trẻ cả nước với Đảng, với Tổ quốc. Thật là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa khi hát về Đảng lúc mùa xuân về.
Trong đợt bình chọn 10 ca khúc hay nhất về Đảng và Tổ quốc do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng, hai bài hát trên của ông đều được đông đảo thính giả cả nước ghi nhận.
Phần thưởng lớn nhất đối với người sáng tác là khi những rung cảm chân thành nhất của mình với Đảng, với Tổ quốc qua những nốt nhạc, lời ca được cuộc sống ghi nhận và trở thành kỷ niệm đẹp, có nhiều ý nghĩa và sống cùng năm tháng đối với nhiều thế hệ. Suốt mấy chục năm qua, mỗi khi nghe hát bài này, dù các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hay đội văn nghệ quần chúng trình diễn, nhất là những dịp Tết đến, xuân về, thì những cảm xúc sâu lắng lần đầu tiên đến với Đảng, những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thanh xuân như sống lại trong tình cảm của ông. Đó thực sự là nguồn động viên tinh thần mạnh mẽ giúp ông vươn lên thực hiện lý tưởng cao đẹp mà mình nguyện phấn đấu suốt đời.
Bên cạnh hai ca khúc Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng; Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn có bài hát Màu cờ tôi yêu. Trong bài hát này, dù ca từ không nhắc đến một chữ Đảng nhưng mỗi câu hát đều tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng, là những lời tâm can chứa chan tình yêu dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, ông viết Màu cờ tôi yêu nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng năm 1980. Lần đó, ông vào TP. Hồ Chí Minh, gặp nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền và cả hai bàn với nhau sắp đến sinh nhật của Đảng nên có bài gì. Cuối những năm 1970, đầu 1980, trước thời kỳ đổi mới, viết về Đảng rất khó vì trong đội ngũ đảng viên và xã hội lúc đó có nhiều hiện tượng tiêu cực quá, hai anh em bàn với nhau càng khó khăn thì càng phải động viên mọi người.
Tiễn ông trên đường ra sân bay rời TP. Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền nói: “Em có viết mấy câu lục bát, gửi cho anh xem có thể phổ biến được không”. Khi lên máy bay, ông mới mở ra đọc và thấy đây đúng là tâm tư của chúng tôi, đúng là tình cảm của những người tâm huyết với việc xây dựng Đảng. Về tới Hà Nội, ông phổ nhạc luôn bài đó. Ông luôn tâm niệm khi nói tới các bước tiến của đất nước, của nhân dân thì không thể không nói đến vai trò của Đảng. Màu cờ tôi yêu là lời nhắn nhủ ân tình của tự thân mỗi người khi gặp cơn hoạn nạn cũng như phút may mắn; lời gửi đến nhau của những người bạn tri ân trong cuộc sống. Đó chính là điểm tạo nên sự sâu sắc của bài hát này: Trong đêm tối, lúc mưa sa, màu cờ đỏ vẫn sáng lòa hồn tôi. Thênh thang trên bước đường đời, ôi màu cờ ấy là lời giục tôi. Khi bài hát ra đời ông tâm sự với nghệ sĩ Lê Dung và Thanh Hoa, người hát thành công bài hát này: Cờ bay, màu của niềm tin. Đỏ như lời hứa của mình em ơi. Suốt đời lòng dặn giữ lời. Đường dài muôn dặm chớ rời tay nhau. Lời ca ấy nhắc nhở chúng ta: Khi Đảng gặp khó khăn, chúng ta phải đoàn kết lại, vững vàng niềm tin, tiếp tục sự nghiệp cách mạng.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên là con học giả Phạm Quỳnh, một vị đại thần triều Nguyễn, cho đến bây giờ vẫn còn có ý kiến khác nhau, nhưng công chúng yêu âm nhạc quý mến ông, khâm phục ông là một trí thức chân chính biết vượt lên hoàn cảnh, vượt lên định kiến, sống có lý tưởng, cả cuộc đời lao động nghệ thuật không mệt mỏi, để cống hiến cho cách mạng. Tài năng âm nhạc thiên bẩm đã giúp nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác thành công nhiều ca khúc về Đảng. Trả lời báo chí về khía cạnh “nhạy cảm” này, ông phân trần: Chúng tôi xuất thân là gia đình trí thức, có văn hóa. Ở thời đại này, tầng lớp nào giống nhau trong nhận thức lý tưởng, đều có thể cống hiến hết mình cho đất nước. Còn chuyện riêng, phải chấp nhận. Chúng ta phải tìm cách thích nghi và vượt lên nó. Sự hồn nhiên đã cho tôi những tình cảm quý giá với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân... Tôi vượt qua được những định kiến đó vì lẽ sống lớn nhất là dùng nghệ thuật để đáp lại tình cảm của nhân dân.
Mùa xuân Đinh Dậu 2017, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã 87 tuổi, dáng ông cao dong dỏng, nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn sáng tinh anh. Kể từ sau khi vợ ông qua đời, ông sống một mình trong căn hộ ngập tràn các loại sách báo chính trị, văn học, lịch sử, âm nhạc, triết học... ở khu tập thể Vạn Bảo, Hà Nội. Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 12 năm sau, năm 2012 ông vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.