Có về làng Mái...

01-01-2016 15:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ðưa tranh Ðông Hồ đến với đời sống trong cơ chế thị trường là một cuộc giành giật không dễ dàng chút nào và tốn không ít công sức không chỉ của các nghệ nhân mà còn là của cả cộng đồng...

1. Làng tranh một thuở

Cái làng nghèo mà hào hoa như làng tranh Đông Hồ trước đây thường truyền nhau câu ca: Hỡi cô thắt lưng bao xanh - Có về làng Mái với anh thì về - Làng Mái có lịch có lề - Có sông tắm mát, có nghề làm tranh. Và “lịch sự cũng thể Đông Hồ”. Không khí sầm uất vào cữ một chạp các thuyền từ xứ Đông xứ Đoài ghé bên “ăn tranh”. Người làm tranh trước ở ngoài đê vào mùa vụ làm tranh cũng một sương hai nắng tất bật khuya sớm. Thôi thì rậm rịch tiếng chày giã điệp, chỗ nọ dỡ ván in tranh cọ rửa, lau chùi sạch sẽ. Khói đốt tranh tre ẩn hiện la đà trên các ngọn cây. Mùa lá tre rụng, người làng tranh phải đi quét nhặt từng lá, tươi quá không được mà khô quá cũng hỏng, khi đốt phải đúng hướng gió, lửa đến đâu vẩy nước đến đấy: có như thế màu đen khi in mới mịn, mới đằm. Giấy dùng in tranh là giấy dó Đống Cao bền dai, mịn mặt. Bồi điệp phải chọn nắng hanh, nắng nhưng không có gió, gió thổi bay tờ điệp úp mặt xuống là công cốc. Ván khắc in tranh bằng gỗ mít, gỗ vàng tâm khi in theo từng bản khắc bảo đảm màu nhuần nhuỵ, nét khắc rõ trên vân điệp càng ngắm càng ưa nhìn.

2. Thực trạng của làng tranh

Có dạo Xunhasaba (Hà Nội) nhận đặt và xuất khẩu với số lượng tranh lớn cũng làm nức người dân nơi đây dù giá thành tranh không đắt lắm. Nhu cầu vài năm gần đây thay đổi. Người làng tranh bây giờ nảy sinh tâm lý ai đặt thì làm, nhiều khi với số lượng tranh quá ít cũng không muốn làm. Thi thoảng lắm cũng có nơi vào làng tranh đặt vài nghìn tờ, không sản xuất được thường xuyên mà cũng khó sản xuất tranh đều đặn trong năm, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm tranh. Các nghệ nhân như cụ Thức, ông Sâm, ông Lăng... có tay nghề cao và kinh nghiệm dần dần khuất núi cả.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế trong phòng bày tranh Đông Hồ - Song Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh).

Thời buổi cơ chế thị trường hầu như cả làng đổ xô vào làm hàng mã, cũng vốn là “mặt hàng” truyền thống trước đây. Thôi thì đủ loại: hoa tai, đồng hồ, nhà táng, ti vi, Honda “cúp” giấy. Rẻ cũng mươi đồng, đắt cũng đến hàng trăm nghìn... tùy theo nhu cầu người đặt mua. Làng thường giao cho người bán buôn đi Hà Nội. Còn tranh Đông Hồ một thời nổi tiếng của dòng tranh xứ Bắc, kỹ thuật công phu, giấy đắt, đủ các loại màu lấy từ chất liệu tự nhiên, tiêu thụ lại khó. Người sành tranh lắm bây giờ mới dám chơi tranh Đông Hồ, chứ không như ngày nào tranh bày bán trên mẹt quê khắp các chợ phủ Thuận và ở nhiều nơi khác. Dạo qua các hè phố cứ thấy tranh Tàu, tranh Thái bày treo la liệt trên các quầy sách báo và văn hóa phẩm như lấn át người xem người mua. Hồi đó, chúng tôi có dịp trở lại làng Đông Hồ thăm anh Trần Nhật Tấn. Quang cảnh xóm thôn nghe chừng đổi khác nhưng nét chân tình trong con người anh vẫn như xưa. Vẫn giọng nói hồ hởi khi anh nói về tranh và lật giở từng trang cho chúng tôi xem. Nghe anh giảng dạy kỹ thuật vẽ tranh mới càng thấy biết bao công phu trong nghề. Có hôm trời nắng nóng, độ ẩm tăng, phải gia giảm màu cho phù hợp với độ xốp của tranh. Quấy hồ đặc quá, giấy cong vênh như bánh đa quá lửa, không in tranh được... Rồi kỹ thuật khắc ván tranh, chế tạo màu từ lá tre, rỉ đồng, hoa hòe, vỏ điệp... Do chịu khó học hỏi và yêu nghề làm tranh dân gian, anh Tấn được các cụ nghệ nhân trong làng truyền nghề cho. Các loại tranh in ván, tranh khắc, trổ lé... anh đều nắm vững và xử lý kỹ thuật làm tranh thuần thục. Lòng say mê nghệ thuật ấy chưa bao giờ giảm trong anh. Anh vẫn cất công ra các phố phường Hà Nội để sưu tầm bộ tranh Bát tiên và Tố nữ cổ mà lâu nay thất lạc. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật Vương Như Chiêm, Chu Quang Trứ, khi về Đông Hồ đều tìm đến anh Tấn để tìm hiểu ngọn ngành của dòng tranh “độc nhất, vô nhị” này... Nhiều đoàn khách nước ngoài Nhật, Tiệp, Thụy Điển qua sự trình bày của anh Tấn đều viết bài ca ngợi vẻ đẹp làng tranh với sức sáng tạo dồi dào của các nghệ nhân trên các báo, tạp chí nổi tiếng của thế giới.

3. Người làm sống lại dòng tranh

Và cách đây không lâu, tôi và một anh bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh về làng tranh gặp lại nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - người làm sống lại một dòng tranh. Vẫn còn cảnh dọc các lối ngõ phấp phới những tờ giấy nhuộm đủ các loại màu săc sỡ: xanh, đỏ, tím, vàng... phơi trên các sào nứa. Cả làng bây giờ vẫn làm hàng mã (nguồn sống chính của làng). Họ xây được nhà tầng, mua xe máy, sắm ti vi. Cái làm chúng tôi thực sự cảm động là riêng nhà ông Chế cùng con cháu xây được nhà tầng khang trang và nuôi sống cả gia định bằng tiền làm tranh. Ông Chế tiếp chúng tôi niềm nở mặc dù ông đang tất bật hướng dẫn cả nhà làm tranh. Đang mùa vụ mà! Ông tâm sự: “Nhà tôi xây bằng tiền gom góp thu được từ làm tranh và tiền tiêu thụ tranh khoảng 100 triệu đồng. Ba gian nhà, tôi dành một gian tiếp khách, hai gian còn lại để làm nơi sản xuất tranh và xếp các bản khắc cổ cất gìn bên bàn thờ gia tiên. Người của Bảo tàng Dân tộc học về ngỏ ý muốn mua lại, tôi không bán. Giữ nghề là một chuyện, đây còn là tất cả đời tôi gắn bó với nghề, thế đấy anh ạ!”.

Đưa tranh Đông Hồ đến với đời sống trong cơ chế thị trường là một cuộc giành giật không dễ dàng chút nào và tốn không ít công sức. Vẻ đẹp của tranh là vẻ đẹp cố hữu của giá trị văn hóa truyền thống. Được sự tài trợ của tổ chức SIDA, UNESCO, ông sang sửa lại khu nhà gỗ và phục chế lại hơn 100 bản khắc cổ... Và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế suy nghĩ rất đúng, ông quyết định in tranh Đông Hồ bằng nhiều cách khác nhau: tranh bộ, tranh mực nho, bưu thiếp, bưu ảnh... tùy theo kích cỡ khác nhau và thị hiếu của đối tượng người mua mà vẫn giữ được hồn vía của tranh. Cơ sở phát hành tranh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có mặt khắp nơi trong tỉnh, ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh... và nhiều nơi khác có nhu cầu tiêu thụ tranh. Hầu hết các cơ sở này đều là người nhà hoặc người làng có hiểu biết về kỹ thuật in tranh để giới thiệu cho khách có nhu cầu tìm hiểu. Chẳng mấy cuộc triển lãm ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào các dịp mùa thu, mùa xuân ông đều đăng ký triển lãm và phát hành nhằm đem vẻ đẹp của tranh đến với đông đảo mọi người. Khách du lịch trong và ngoài nước đều tìm về nhà ông tìm hiểu cách thức khắc tranh, in tranh và mua tranh (âu cũng là cái thứ văn hóa của khách du lịch...).

Bồi hồi ngắm từng chồng bản khắc gỗ từng phủ bụi thời gian và những bức tranh dân gian được treo trang trọng trên tường mang đậm sắc thái Việt, tôi hỏi ông Chế: - “Sao ông lại mê nghề làm tranh như vậy?”. Ông chế cười hồn hậu, nếp nhăn trên trán giãn ra theo sự cởi mở của đà chuyện: “Nói thực với anh, nghề của ông cha, giữ gìn là trách nhiệm của con cháu. Bỏ nghề, rửa nghề thì nhục lắm. Như anh đã thấy bí quyết của tôi là: sản xuất tranh đẹp theo nhiều nhu cầu khác nhau và tạo được mạng lưới phát hành tranh rộng rãi trên cả nước”...

Chúng tôi còn biết nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ấp ủ nhiều dự định tốt đẹp về làng tranh Đông Hồ trong quần thể du lịch Thuận Thành - nơi lưu giữ nhiều cảnh quan đình chùa và những làng nghề truyền thống nức danh một thuở. Cầu mong cho mọi dự định của ông trở thành hiện thực ở một vùng quê mà nhiều người trong chúng ta từng gắn bó và yêu mến.

Chúng tôi rời làng tranh Đông Hồ trong một buổi sớm mai heo may chớm lạnh. Mặt trời đã lên nửa con sào mà khói sương còn vơ vẩn trên các mái nhà, ngọn cây, đất bãi. Dòng sông Đuống cứ lặng lẽ trôi xuôi, chảy mãi về xa... Tự nhiên như cảm được cái hồn của trời đất, tôi ước ao: một ngày nào đó không xa, tôi trở về cái làng tranh đã in dấu vết khá đậm trong tuổi thơ tôi những sắc màu dân dã ấy... lại bừng lên cái rậm rịch rộn rã của không khí những ngày xeo giấy, khắc ván in tranh, phơi tranh... Và ai đó kia như mẹ tôi tóc trắng như cước đang cầm thét thông quét lên nền điệp trắng ngà. Cái nền điệp ai đó đã ngắm một lần chắc chẳng thể nào quên: Con về mùa nắng thơm reo - vẹn nguyên màu trắng trong veo giữa trời.

Và tôi ước ao...


Nguyễn Thanh Kim
Ý kiến của bạn