Trong chuyến đi của mình, bà cũng chia sẻ kinh nghiệm của Anh liên quan đến kháng thuốc và cùng với Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam khai trương Phòng thí nghiệm Tham chiếu kháng thuốc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Phòng thí nghiệm này được xây dựng trong khuôn khổ dự án do quỹ Flemming tài trợ.
Nhân dịp này bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo Sức khỏe&Đời sống.
PV: Xin bà vui lòng chia sẻ những kinh nghiệm của Vương quốc Anh liên quan đến kháng thuốc?
Cố vấn y tế Dame Sally Davies: Nhiễm trùng kháng thuốc, còn gọi là kháng kháng sinh, đe dọa hàng ngàn năm tiến bộ y học. Siêu vi trùng kháng thuốc không tôn trọng biên giới quốc gia. Nước Anh ý thức được rằng chúng tôi cần tiên phong và trước hết nỗ lực giải quyết thành công tình trạng kháng thuốc trong nước. Với cương vị là Cố vấn trưởng về Y tế của Chính phủ Anh, tôi luôn hành động để đảm bảo giải quyết kháng thuốc là ưu tiên của nước Anh và cộng đồng quốc tế.
Chiến lược phòng chống kháng thuốc đầu tiên của chúng tôi được công bố vào năm 2013 và sau đó là kế hoạch thực hiện chi tiết ban hành năm 2014. Chúng tôi đã áp dụng phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe bao trùm các lĩnh vực y tế, thú y và môi trường. Chúng tôi cũng xây dựng hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp và tăng ngân sách nghiên cứu và phát triển.
Chính phủ Anh đưa ra một số mục tiêu đầy tham vọng: giảm một nửa số ca bệnh truyền nhiễm cần chăm sóc y tế và việc kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý cho bệnh nhân, cũng như cải thiện chất lượng chẩn đoán trước năm 2020/2021. Chúng tôi đã đạt được mục tiêu giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản xuống còn 45 mg/kg. Chính phủ cũng cam kết giải quyết các thất bại trên thị trường thuốc kháng sinh và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác công - tư.
Cố vấn y tế Dame Sally Davies.
Các biện pháp chính phủ đưa ra đã bắt đầu có tác dụng. Liều kháng sinh kê cho bệnh nhân đã giảm 5% và số lượt toa kháng sinh bác sĩ đa khoa kê đã giảm 13% trong giai đoạn 2012-2016. Chúng tôi hy vọng rằng sự giảm thiểu này và quan trọng hơn là những thay đổi trong hành vi sẽ được duy trì, và sẽ kiểm soát được tình trạng kháng thuốc nhờ sử dụng kháng sinh một cách hợp lý.
Vương quốc Anh sẽ xây dựng một chiến lược mới, tham vọng hơn cùng kế hoạch hành động quốc gia, dự kiến công bố vào cuối năm 2018. Tôi dự đoán rằng, bên cạnh những vấn đề khác, chúng tôi sẽ tập trung ngăn ngừa xuất hiện và lây lan nhiễm trùng ngay từ đầu và khai thác tốt hơn các dữ liệu thu được. Vương quốc Anh sẽ tăng cường giải quyết tình trạng kháng thuốc trong môi trường và đẩy mạnh sử dụng kháng sinh truyền thống.
Có thể nói nước Anh đã bắt đầu đạt được một số thành tựu và tác động. Tuy nhiên, điều quan trọng là các quốc gia khác cũng hành động tương tự. Có thể thấy những cam kết thay đổi từ Tuyên bố của Liên hợp quốc về kháng kháng sinh vào năm 2016, cũng như từ các nỗ lực của các quốc gia thành viên - bao gồm Việt Nam. Tôi vui mừng được biết Chính phủ Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia Một sức khỏe về kháng thuốc. Tôi rất vinh dự được có mặt tại Hà Nội và cùng Bộ trưởng Bộ Y tế khánh thành Phòng thí nghiệm Tham chiếu về kháng thuốc do Chính phủ Anh tài trợ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (BVNĐTW). Việc tăng cường chất lượng và quy mô dữ liệu sẽ hỗ trợ Việt Nam xác định ưu tiên để bổ sung nguồn lực cần thiết.
PV: Quan điểm của bà về tình hình kháng thuốc tại Việt Nam như thế nào và có thể làm gì để kiểm soát kháng thuốc hiệu quả hơn?
Cố vấn y tế Dame Sally Davies: Thế giới vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về 'tình hình kháng thuốc’. Việc này rất đáng lo ngại bởi nếu không biết những loại kháng nào đang xuất hiện và ở đâu, chúng ta không thể phản ứng một cách hiệu quả. Việc phát sinh kháng cũng như sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý ở một nơi nào đó trên Trái đất sẽ đe dọa toàn cầu.
Vì vậy Vương quốc Anh đang thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hỗ trợ các nước xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia Một sức khỏe, đề ra các hành động cần thiết trong mỗi lĩnh vực sức khoẻ con người, thú y và môi trường. Nếu tính theo trọng lượng, kháng sinh được sử dụng nhiều nhất trong nông nghiệp. Những kháng sinh này dễ dàng lan ra môi trường, tạo cơ hội cho kháng thuốc phát triển. Ngành nông nghiệp cần có kế hoạch phòng chống kháng thuốc, đồng thời quy định việc sử dụng vắc-xin để giảm sử dụng kháng sinh.
Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Các bạn là tấm gương với nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước khác. Tôi hy vọng phòng Phòng thí nghiệm Tham chiếu tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương - một bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giám sát kháng thuốc quốc gia. Vương quốc Anh cũng hy vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ Kế hoạch hành động đầy tham vọng của các bạn.
PV: Phòng thí nghiệm Tham chiếu kháng thuốc vừa được khai trương tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương trong khuôn khổ dự án do quỹ Flemming tài trợ. Xin bà cho biết, tại sao quỹ Flemming lại chọn Việt Nam để hỗ trợ triển khai hệ thống giám sát kháng thuốc?
Cố vấn y tế Dame Sally Davies: Vương quốc Anh mong muốn đẩy mạnh mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, đồng thời tập trung vào một vấn đề ưu tiên đối với cả hai nước và toàn thế giới. Tôi đã nhìn thấy cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam và trên quan điểm bền vững, đây là một trong những lý do Việt Nam được chọn thí điểm với Quỹ Fleming.
Chúng ta cần xác định rõ tình trạng hiện tại, từ đó đưa ra kế hoạch cho tương lai. Đây là nguyên nhân Vương quốc Anh hình thành Quỹ Fleming, chương trình lớn nhất toàn cầu về giám sát kháng thuốc. Quỹ hỗ trợ các quốc gia triển khai hệ thống giám sát kháng thuốc chất lượng cao và hài hòa, từ đó đóng góp cho Hệ thống giám sát kháng thuốc toàn cầu (GLASS) của WHO cũng như các nỗ lực khác nhằm giảm gánh nặng bệnh tật.
Trong những năm tới, Quỹ Fleming sẽ hỗ trợ các nước thực hiện hoạt động đồng thời đầu tư sâu rộng vào phát triển cơ sở hạ tầng và kỹ năng. Ví dụ, Quỹ Fleming có thể hỗ trợ xây dựng hoặc cải tạo các phòng thí nghiệm tham chiếu kháng thuốc, mua sắm thiết bị hoặc đào tạo kỹ thuật chuyên môn, tương tự như ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn hợp tác và học hỏi từ Phòng thí nghiệm tại BVNĐTW.
PV: Bà có thể chia sẻ kế hoạch chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới từ Vương quốc Anh để giúp Việt Nam giải quyết kháng thuốc?
Cố vấn y tế Dame Sally Davies: Quỹ Fleming đã hỗ trợ Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và BVNĐTW hợp tác xây dựng Phòng thí nghiệm Tham chiếu kháng thuốc tại cơ sở mới của Bệnh viện, cùng các trang thiết bị chất lượng để nghiên cứu chuyên sâu về các loại khuẩn kháng thuốc.
Về kỹ thuật, Cơ quan Y tế Anh - một trong những đơn vị y tế công cộng quốc gia lớn nhất - đang hỗ trợ đào tạo các kỹ thuật quan trọng cho cán bộ phòng thí nghiệm thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu tại Anh quốc.
Bên cạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, chúng tôi cũng nỗ lực đảm bảo mọi sản phẩm tạo ra, chẳng hạn như bộ công cụ chẩn đoán nhanh, đều được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn trên khắp thế giới.