Có văn bản nào quy định “khống chế chuyển viện”?

10-01-2014 16:00 | Tin nóng y tế
google news

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Bộ Y tế không có văn bản nào quy định việc “khống chế chuyển viện”. Căn cứ và tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng chuyên môn của cơ sở y tế, thầy thuốc quyết định việc có chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hay không.

“Việc khống chế chuyển viện, làm chậm trễ điều trị, làm nhiều người phải chết không đáng. Xin bộ trưởng cần có giải pháp tốt hơn” là đề nghị mà bạn đọc Trần Phương Nam (60 tuổi, tpnam08@...) đưa ra với Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi giao lưu trực tuyến cuối năm do báo Tuổi trẻ tổ chức.

 	Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Bộ Y tế không có văn bản nào quy định việc “khống chế chuyển viện”. Căn cứ và tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng chuyên môn của cơ sở y tế, thầy thuốc quyết định việc có chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hay không. Theo quy định hiện hành, nếu tình trạng bệnh tật của người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở y tế thì bắt buộc các thầy thuốc phải chuyển người bệnh lên tuyến trên để điều trị.

Bộ Y tế đang xây dựng thông tư hướng dẫn chuyển tuyến để hướng dẫn người bệnh, nhân viên y tế điều trị nắm rõ thủ tục chuyển viện theo đúng tuyến điều trị, tránh gây phiền hà tốn kém không cần thiết cho người bệnh, hướng dẫn này không phải là "khống chế chuyển viện”. Thực tế có rất nhiều bệnh đơn giản, nên điều trị ở tuyến chăm sóc ban đầu vừa có lợi cho người bệnh hơn, vừa không gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Cũng tại buổi giao lưu, trả lời câu hỏi của bạn đọc Nguyen Van Sinh (49 tuổi, sinhghe@...) về vấn đề tại sao ngành y cải cách quá chậm so với bệnh viện của các nước phát triển, Bộ trưởng chia sẻ:

Hiện nay thu nhập trên đầu người dân của Việt Nam mới đạt 1.960 USD/ đầu người/ năm. So với các quốc gia có cùng mức thu nhập GDP, công tác khám, chữa bệnh của Việt Nam không hề thua kém và có nhiều tiến bộ vượt bậc. Mạng lưới khám, chữa bệnh từ trung ương đến địa phương đang dần được củng cố và hoàn thiện, duy trì mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu đến tận tuyến xã.

Các bệnh viện đang được Đảng và nhà nước quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị. Đội ngũ cán bộ đang được quan tâm, phát triển triển khai được nhiều kỹ thuật cao ngang tầm các nước phát triển trong khu vực như ghép gan, ghép thận, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, phẫu thuật nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đã được triển khai thường quy tại các bệnh viện tuyến trung ương và nhiều BV tuyến tỉnh. Chỉ trong năm 2012, các BV thực hiện 3 ca ghép tim, 9 ca ghép gan, 136 ca ghép thận, 9.400 ca phẫu thuật tim hở, 28.100 ca can thiệp mạch kín 30.553 ca phẫu thuật thay khớp gối, 2.300 trẻ ra đời trong ống nghiệm…

Tuy nhiên, việc đổi mới ngành y tế còn chậm và có một số mặt hạn chế, chủ yếu do các nguyên nhân sau:

- Các trang thiết bị công nghệ chẩn đoán và dược phẩm hoá chất, sinh phẩm chủ yếu vẫn phải nhập khẩu.

- Chi công cho y tế thấp, chưa đến 100 USD/ đầu người/ năm, trong khi các quốc gia khác chi nhiều hơn 4-5 chữ số

- Bao phủ BHYT đạt 68%, Chính phủ hỗ trợ thẻ bảo hiểm cho các đối tượng chính sách, người nghèo (8%), trẻ em dưới 6 tuổi, tuy nhiên mức đóng thấp, dẫn đến nguồn thu từ BHYT còn thấp.

Nguồn: Tuổi trẻ

 


Ý kiến của bạn