Báo SK&ĐS đã phỏng vấn BSCKII Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái về công tác tiêm chủng tại địa phương này ngay sau khi tiếp nhận nguồn vaccine từ Bộ Y tế.
PV: Thưa ông, Yên Bái đã nhận được bao nhiêu vaccine từ Bộ Y tế và tỉnh đã triển khai tiêm chủng như thế nào sau khi được nhận vaccine từ chương tình tiêm chủng mở rộng?
BSCKII Lại Mạnh Hùng: Tháng 12/2023, tỉnh Yên Bái đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ 8.300 liều vaccine 5 trong 1. Ngay trong sáng ngày 27/12/2023, sau khi có quyết định phân bổ vaccine 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận và tiến hành cấp phát ngay cho các đơn vị, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện tiêm chủng theo quy định.
Vaccine 5 trong 1 được triển khai tiêm chủng cho trẻ từ đủ 02 tháng tuổi đến dưới 18 tháng tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine DPT-VGB-Hib, trong đó ưu tiên triển khai cho trẻ chưa được tiêm mũi 1.
Để đảm bảo trẻ được tiêm bù vaccine 5 trong 1 càng sớm càng tốt, các huyện, thành phố trong tỉnh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm chủng ngay sau khi nhận được vaccine. Yên Bái đã tổ chức tiêm cả vào ngày nghỉ lễ Tết dương lịch.
Sau một thời gian thiếu hụt vaccine 5 trong 1, khi có vaccine người dân đã rất phấn khởi đưa con em đi tiêm chủng. Tuy nhiên tại địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc (như các xã thuộc huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu) việc triển khai tiêm ở vùng này chậm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh do thời tiết lạnh, giao thông đi lại khó khăn hơn.
Để đảm bảo người dân những vùng này được tiếp cận với vaccine, sau khi triển khai tại điểm tiêm tại trạm y tế, cán bộ y tế địa phương tiếp tục triển khai ở các điểm tiêm ngoài trạm, nhà cộng đồng.
Đến nay, tỉ lệ tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái cơ bản đạt theo yêu cầu của Bộ Y tế.
PV: Như trên ông vừa nói, Yên Bái là địa phương có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, nhiều đồng bào dân tộc, quá trình thực hiện tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở những vùng này có khó khăn ra sao? Thời gian bị "đứt gãy" nguồn vaccine, Yên Bái đã khắc phục "tạm" như thế nào?
BSCKII Lại Mạnh Hùng: Năm 2023, nguồn vaccine trong chương trình TCMR bị gián đoạn một thời gian dài trên địa bàn cả nước, trong đó có Yên Bái, vì vậy không đáp ứng nhu cầu của các đơn vị để tiêm phòng cho trẻ nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ tiêm chủng của các địa phương.
Việc thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng trong thời gian kéo dài khiến rất nhiều trẻ không được tiêm đúng lịch, đủ liều theo quy định, làm cho miễn dịch cộng đồng giảm, tạo cơ hội cho các mầm bệnh xâm nhập, lây lan và nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, ví dụ như dịch bệnh bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản…
Yên Bái là địa phương có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn hiểm trở, đường giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên xảy ra mưa, lũ ở các huyện miền núi vào các kỳ triển khai tiêm chủng, hơn nữa phong tục tập quán nhiều địa phương miền núi còn lạc hậu, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa thực sự phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch, bệnh và tiêm chủng mở rộng.
Trong thời gian bị "đứt gãy" nguồn vaccine vừa qua, để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh, trước tình trạng khó khăn trên, Yên Bái đã triển khai quyết liệt một số hoạt động như:
Ngay sau khi tiếp nhận vaccine từ Viện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đã kịp thời phân bổ vaccine cho các đơn vị tuyến huyện, đồng thời tham mưu cho Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiếp nhận, lập kế hoạch triển khai ngay khi nhận được vaccine.
Đối với các xã khó khăn tăng thêm số ngày tiêm chủng và triển khai thêm các điểm tiêm chủng ngoài trạm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đưa con em đi tiêm chủng.
Lập danh sách, quản lý tốt đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi để sẵn sàng tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng này đặc biệt nếu vì lý do nào đó gia đình chưa đưa trẻ đến tiêm thì được cán bộ y tế gọi điện thông báo hẹn ngày tiêm cho trẻ;
Tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng, phát hiện sớm ca bệnh để quản lý, xử lý kịp thời không để dịch xảy ra;
Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường truyền thông lợi ích của vaccine trong phòng chống dịch bệnh, vận động người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều.
PV: Xin cảm ơn ông.