Hà Nội

Có trị dứt điểm được viêm tiểu phế quản ở trẻ?

16-10-2022 09:29 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em lúc giao mùa. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ…

1. Tại sao viêm tiểu phế quản thường gặp lúc giao mùa 

Thời tiết giao mùa nóng lạnh thay đổi đột ngột khiến cho vi khuẩn, virus sinh sôi, phát triển. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thời tiết nhất, do cơ thể còn non yếu, hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện. Do đó, trẻ dễ bị mắc bệnh đường hô hấp tại thời điểm này, trong đó có viêm tiểu phế quản.

BS. Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản nhi Vinh Phúc) cho biết, viêm tiểu phế quản là một bệnh đường hô hấp chủ yếu do virus gây ra. Viêm tiểu phế quản có thể xảy ra quanh năm nhưng thường gặp lúc giao mùa, khi trời trở lạnh.

Bệnh gây viêm và tăng tiết dịch trong đường thở, làm chít hẹp đường thở của trẻ khiến trẻ khó thở. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi cho tới dưới 2 tuổi.

photo-1665677438007

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

2. Các triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc viêm tiểu phế quản:

  • Chảy nước mũi, mũi sung huyết.
  • Đau họng, đau tai.
  • Ho.
  • Sốt.
  • Thở nhanh, thở nông, khò khè.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản có thể khỏi sau 7 ngày. Tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh có thể lâu hơn, tùy cách chăm sóc và điều trị. 

Viêm tiểu phế quản nếu không được phát hiện, điều trị đúng, kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ: Suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa, thậm chí có thể tử vong...

3. Làm sao điều trị dứt điểm viêm tiểu phế quản?

Theo BS.Thảo, các trường hợp viêm tiểu phế quản thường nhẹ, nhưng bệnh dễ tái phát. Để điều trị dứt điểm viêm tiểu phế quản, tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể gặp, cần đưa trẻ đi khám càng sớm tốt. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị cụ thể.

Thông thường, điều trị viêm tiểu phế quản là điều trị các triệu chứng. Trong đó:

3.1. Thuốc hạ sốt

Có thể dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Thuốc an toàn thường được dùng là paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần mỗi 4-6 giờ.

Ibuprofen là một lựa chọn khác để hạ sốt cho trẻ. Tuy nhiên, chỉ sử dụng khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ.

Ngoài ra, nên bỏ bớt quần áo cho trẻ, lau người bằng nước ấm…

photo-1665677440140

Việc sử dụng thuốc giãn phế quản dạng khí dung cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

3.2. Thuốc ho

Ho là một phản xạ giúp tống đờm, dị vật trong đường thở ra ngoài. Do đó, khuyến cáo không dùng thuốc giảm ho ở trẻ dưới 2 tuổi. Trong trường hợp phải dùng thuốc trị ho cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Nếu trẻ ho nhiều có thể dùng một số chế phẩm chứa thảo dược.

3.3. Thuốc trị nghẹt mũi

Không cho trẻ dùng các thuốc thông mũi chứa corticoid hoặc kháng histamin do có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Có thể làm sạch mũi họng của trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.

3.4. Thuốc giãn phế quản

Trong trường hợp trẻ có khò khè do co thắt phế quản, có thể dùng thuốc giãn phế quản dạng khí dung. Tuy nhiên, cần được chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc giãn phế quản đường hít có thể được cân nhắc sử dụng tùy từng trường hợp cụ thể.

4. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm tiểu phế quản

Để dùng thuốc an toàn, hiệu quả, BS. Nguyễn Hữu Thảo lưu ý:

- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

- Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

- Không tự ý mua và dùng thuốc cho trẻ.

- Mặc dù là bệnh do virus gây nên nhưng các thuốc kháng virus không được khuyến cáo sử dụng trong điều trị viêm tiểu phế quản. Một số trường hợp nghi ngờ nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản do virus cúm có thể được bác sĩ cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus.

- Viêm tiểu phế quản do virus gây nên do đó việc dùng kháng sinh là không có tác dụng. Trừ các trường hợp có bội nhiễm, viêm phổi… Lưu ý, chỉ sử dụng khác sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

- Khi thấy trẻ có các triệu chứng bất thường cần đến cơ sở y tế tin cậy để được khám và điều trị kịp thời: Thở rút lõm lồng ngực, sốt cao không hạ, trẻ dưới 3 tháng tuổi và sốt, trẻ trên 3 tháng tuổi và sốt trên 3 ngày, trẻ tiểu ít, bỏ bú, thở nhanh, thở nặng nhọc…

Để phòng tránh viêm tiểu phế quản ở trẻ, BS. Nguyễn Hữu Thảo khuyên: Nên nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; tránh tiếp xúc với khói thuốc; rửa tay thường xuyên; tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ trên 6 tháng tuổi…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng sẽ làm hỏng răng bạn.


Nguyễn Châu
Ý kiến của bạn