Có trị được “xe điên”?

24-11-2015 22:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra khi các xe ôtô mất kiểm soát lao bừa trên đường gây họa mà người dân thường gọi là “xe điên”.

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ va chạm giao thông đã xảy ra khi các xe ôtô mất kiểm soát lao bừa trên đường gây họa mà người dân thường gọi là “xe điên”. Nguyên nhân thì vô vàn, nhưng điều đáng nói là cách xử trí sau khi xảy ra va chạm, hầu hết tài xế không dừng lại mà bỏ chạy, thậm chí chống người thi hành công vụ... Tại sao “xe điên” xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố và cần có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Hậu quả khôn lường

Mới đây nhất, vụ tai nạn xảy ra khoảng 13 giờ 30 chiều 21/11, anh Phạm Cao Vũ, (Q2, TP.HCM), điều khiển xe ôtô đã va chạm với xe máy một phụ nữ khiến chị này ngã xuống đường bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, Vũ đã lái xe bỏ chạy. Lực lượng CSGT phát hiện nên truy đuổi theo, nhưng Vũ lùi xe tông vào môtô đặc chủng rồi tiếp tục bỏ chạy. Người dân cùng lực lượng chức năng đuổi theo chặn được đầu xe, nhưng người này chốt cửa cố thủ bên trong, sau đó bỏ đi. Chiều hôm đó, người thân tài xế còn đến cơ quan công an và trình giấy Vũ có vấn đề về “tâm thần”.

Có trị được “xe điên”?

Công an xử lý một vụ gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy.

Liên quan đến việc gây tai nạn bỏ chạy, trước đó, khoảng 22 giờ 15 phút tối ngày 13/11 tại khu vực ngã tư Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ, chiếc xe Hyundai Grand i10 lưu thông trên đường Phạm Hùng đi hướng đường Nguyễn Xiển, đã va chạm chiếc xe Hyundai Santafe BKS 30A - 585.65 khiến chiếc xe bị hư hỏng nhẹ. Song, tài xế xe Hyundai Santafe không dừng lại để giải quyết va chạm mà bỏ chạy đã gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 1 người chết và 2 người bị thương nặng.

Còn nhớ vụ taxi gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Chùa Bộc - Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) làm 1 người chết, 7 người bị thương đêm 8/11, sau đó lái xe đã nhảy xuống cầu tự tử, nguyên nhân cũng là do khi xảy ra va chạm đã bỏ chạy, để lại hậu quả khôn lường.

Tại sao “xe điên” xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố và cần có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này, “xe điên” xuất hiện không nhiều nhưng khi đã xảy ra thì để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, càng khiến hậu quả nặng nề hơn.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân trước tiên dẫn đến các vụ tai nạn và vấn đề xử trí sau đó là ý thức của người tham gia giao thông và kỹ năng thực hành của người lái xe chưa cao. Có thể thấy, hiện nay việc học lấy bằng lái xe tuy đã được thực hiện nghiêm túc hơn, nhưng việc kiểm định sức khỏe cũng chưa được chặt chẽ, dẫn đến việc xử lý tình huống kém. Trong cả một quá trình đào tạo và cấp bằng, gần như không hề có một chút kiến thức nào để hướng dẫn tài xế xử trí các tình huống sau va chạm. Phải chăng vấn đề này thuộc về đạo đức lái xe nên không thuộc phạm vi “trình độ lái xe” và bị bỏ ra ngoài?

Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử kém dẫn đến khi có va chạm, các tài xế thường không ai nhận sai, mà cãi vã, đôi khi xảy ra xô xát, bỏ chạy và gây ra những tai nạn kinh hoàng cho người dân.

Về vấn đề này, theo Thượng tá Lê Quang Bốn, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe thuộc Trường đại học PCCC Bộ Công an cho rằng, trong quá trình đào tạo, học viên không được chủ quan, không nên bỏ qua những bài học được cho là đơn giản, cần nhiều thời gian rèn luyện kỹ năng và một điều quan trọng nhất là cần có ý thức và trách nhiệm cao khi tham gia giao thông. Khi các học viên nắm vững kỹ năng điều khiển xe, lúc đó tâm lý mới vững vàng.

Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: Ngoài việc đền bù thiệt hại, khi người gây tai nạn bỏ chạy sau khi xảy ra tai nạn còn có dấu hiệu thỏa mãn một trong những tình tiết tăng nặng, quy định tại khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự: Bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Nhiều người cho rằng những người điều khiển ôtô thường có “ý thức” và “tri thức” cao hơn, có thể thực tế là như vậy. Nhưng từ các vụ việc thời gian qua, những hình ảnh các tài xế rượt đuổi nhau trên đường gây họa, thì mới thấy rằng cách ứng phó với tình huống và sự bình tĩnh khi giải quyết vấn đề mới là kỹ năng quan trọng hơn cả.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người đi đường, đề nghị cơ quan giao thông có những biện pháp xử lý nghiêm cho những hành vi này, cần phải có án tù giam, thậm chí tịch thu phương tiện cả “xe điên” lẫn “người điên”.

   Bài, ảnh: Trần Lâm

 


Ý kiến của bạn