Có tới 65% ca tử vong trên toàn cầu không được ghi chép đầy đủ và chính xác

05-12-2024 21:02 | Y tế

SKĐS - Việc chẩn đoán nguyên nhân tử vong và thống kê tử vong sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý chuyên môn y tế theo dõi và phân tích nguyên nhân tử vong chủ yếu, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và can thiệp hiệu quả, giảm thiểu tử vong có thể phòng tránh được.

Công cụ quan trọng để các quốc gia xây dựng hệ thống mã hóa và ghi nhận nguyên nhân tử vong

Hôm nay 5/12, tại Đà Nẵng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Tổ chức Vital Strategies tổ chức hội thảo tập huấn ghi nhận phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong và thống kê tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khu vực miền Trung.

Các giảng viên đến từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, BVĐK Trung ương Cần Thơ, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh và BVĐK Vĩnh Đức.

Phát biểu tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra có tới 65% ca tử vong trên toàn cầu không được ghi chép đầy đủ và chính xác.

Có tới 65% ca tử vong trên toàn cầu không được ghi chép đầy đủ và chính xác- Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu.

"Việc ghi nhận nguyên nhân tử vong có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành hệ thống dữ liệu quốc gia đầy đủ, chính xác và cập nhật kịp thời. Chính những dữ liệu này sẽ giúp ngành y tế xác định rõ ràng các vấn đề ưu tiên, đánh giá toàn diện về gánh nặng bệnh tật, và qua đó, xây dựng các chương trình và chính sách can thiệp hợp lý nhằm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật, cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc y tế trong cộng đồng"- TS.BS Nguyễn Trọng Khoa nói.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Tổ chức Y tế thế giới đã phát triển các tiêu chuẩn quốc tế giúp mã hóa chính xác nguyên nhân tử vong, bao gồm Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong và Hệ thống Phân loại Quốc tế về Bệnh tật (ICD-10). Những tiêu chuẩn này là công cụ quan trọng để các quốc gia có thể xây dựng hệ thống mã hóa và ghi nhận nguyên nhân tử vong một cách hệ thống, tập trung và đồng nhất.

Trong những năm gần đây, Bộ Y tế đã không ngừng nỗ lực xây dựng hệ thống ghi nhận nguyên nhân tử vong tại các cơ sở khám chữa bệnh. Từ tháng 12/2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BYT quy định về Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong, Giấy báo tử và thống kê tử vong tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Thông tư này, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống quản lý nguyên nhân tử vong và hướng dẫn thực hiện ghi nhận nguyên nhân tử vong trên toàn quốc. Tháng 7/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1921/QĐ-BYT hướng dẫn chi tiết cách ghi Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Để tăng cường việc thực thi, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã triển khai phần mềm trực tuyến hỗ trợ thu thập dữ liệu nguyên nhân tử vong từ các Phiếu chẩn đoán tại các cơ sở khám chữa bệnh, giúp các đơn vị y tế cập nhật và báo cáo kịp thời.

Cung cấp bằng chứng từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và can thiệp hiệu quả bệnh tật

Theo TS Khoa, hiện nay mô hình bệnh tật đã thay đổi từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm như ung thư, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và tai nạn thương tích.

Việc chẩn đoán nguyên nhân và thống kê tử vong sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý chuyên môn y tế theo dõi và phân tích nguyên nhân tử vong chủ yếu, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa và can thiệp hiệu quả, giảm thiểu tử vong có thể phòng tránh được;

Đồng thời, cung cấp bằng chứng xác định vấn đề ưu tiên xây dựng chính sách y tế dựa trên số liệu và xu hướng các nhóm nguyên nhân tử vong;

"Ngoài ra, việc này giúp đánh giá hiệu quả của các chương trình can thiệp y tế và chất lượng khám chữa bệnh, từ đó điều chỉnh các phương pháp điều trị và chăm sóc, cải thiện chất lượng dịch vụ tại các cơ sở.

Giúp các cơ sở khám, chữa bệnh theo dõi và đánh giá công tác quản lý bệnh nhân, nguy cơ tử vong theo từng nhóm bệnh, tăng cường trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh và bảo đảm an toàn cho người bệnh"- TS.BS Nguyễn Trọng Khoa nói.

Có tới 65% ca tử vong trên toàn cầu không được ghi chép đầy đủ và chính xác- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự tập huấn.

Lấy ví dụ thực tế trong đợt dịch COVID-19, có những ca tử vong chưa xác định đúng bản chất đề, khi vừa nhiễm COVID-19 đồng nhiễm nhiều bệnh nền khác nhau gây ra tử vong, cũng khiến việc thống kê, báo cáo gặp không ít khó khăn.

TS Nguyễn Trọng Khoa đề nghị các học viên nắm vững tầm quan trọng của dữ liệu tử vong và hiểu rõ các hướng dẫn ghi nhận nguyên nhân tử vong tại cơ sở y tế; Có thể xây dựng được các hướng dẫn và quy trình triển khai Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong tại đơn vị của mình và sử dụng thành thạo phần mềm trực tuyến của Bộ Y tế để ghi nhận và báo cáo nguyên nhân tử vong (cdc.kcb.vn).

Bộ Y tế là cơ quan chủ quản Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnhBộ Y tế là cơ quan chủ quản Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh

SKĐS - Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt và được lưu trữ lâu dài, đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật...




Lê Hảo - Thái Bình
Ý kiến của bạn