Hà Nội

Có tới 45% học sinh gặp các vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến

18-05-2022 07:11 | Xã hội
google news

Theo Bộ GD-ĐT, kết quả khảo sát cho thấy, có 45% học sinh gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Liên quan đến đánh giá tổ chức dạy học trực tuyến, Bộ GD-ĐT chỉ rõ những khó khăn của cả giáo viên và học sinh.

Có tới 45% học sinh gặp các vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến - Ảnh 1.

Học trực tuyến khiến học sinh gặp nhiều vấn đề sức khỏe (Ảnh minh họa)

Qua khảo sát, đánh giá thấy khó khăn nhiều nhất mà các trường gặp phải là thiếu thiết bị cho dạy học trực tuyến (31,6%) và thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, ban ngành (29,4%).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 42,6% giáo viên gặp các vấn đề sức khoẻ và 37,2% giáo viên gặp vấn đề về tâm lý... Còn học sinh thì có 45% gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai…

“Các giáo viên cho rằng học tập trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh là khá cao từ 62 - 77%, với mức độ ảnh hưởng tăng dần từ cấp tiểu học lên đến THPT”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, giáo viên ở các cấp học đều cho rằng, dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả đối với học sinh (tỷ lệ giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT đồng ý với mức độ này lần lượt là 64,4%; 65,5%; 65,1%). Trong khi tỷ lệ giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT cho rằng dạy học trực tuyến không hiệu quả lần lượt là 20,9%; 19,8% và 21,2%.

Trong tình hình mới, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học.

Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần: phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp bị Covid-19…

Tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa.

Một số bộ sách giáo khoa vẫn “lỗi, sạn” 

Bộ GD-ĐT cho biết, trong năm 2022, các tổ chức, cá nhân tiếp tục tham gia biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa theo quy định.

Bộ đã tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng 40 bản mẫu sách giáo khoa lớp 7; 60 bản mẫu sách giáo khoa lớp 10; 43 bản mẫu sách giáo khoa lớp 3…

Quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định. Thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa cũng đã được lựa chọn chặt chẽ hơn.

Bộ GD-ĐT thừa nhận một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn “lỗi, sạn” gây ra dư luận không tốt.

Khi ban hành sách giáo khoa, còn tình trạng sách vẫn có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1; một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, hoàn thiện trong các sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian tới, ngành này sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách theo đúng lộ trình; lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách.

Học sinh hổng kiến thức trong thời đại dịch COVID-19Học sinh hổng kiến thức trong thời đại dịch COVID-19

SKĐS - Theo trang Project Syndicate, các trường học trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã mở cửa trở lại sau một thời gian dài đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Xem thêm video đang được quan tâm

Nghiên cứu mới: Tế bào bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể “thát nổ” như thế nào?


Theo Hương Quỳnh/VietnamNet
Ý kiến của bạn