Gần 4 năm đã trôi qua, kể từ khi sự việc “ăn cắp” tài nguyên quốc gia của Công ty TNHH Thành Ngân trong khai thác quặng chì, kẽm ngoài chỉ giới, tại mỏ Khao Bo Po, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) được phát hiện, các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc kiểm tra và đã làm rõ ngọn nguồn. Thế nhưng, các sai phạm “động trời” này đang bị lãng quên, bởi chẳng cơ quan nào xử lý dứt điểm, nên khoảng 10.000 tấn quặng chì kẽm đã khai thác trái phép cứ bỏ đống ngổn ngang gây bức xúc dư luận.
Trở lại sự việc, ngày 25/1/2002, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có quyết định số 94/QĐ-UB cho phép Công ty TNHH Thành Ngân được khai thác tận thu quặng chì kẽm tại mỏ Khao Bo Po với diện tích khai thác 7 ha, trong đó có ghi rõ trữ lượng mỏ là 134.000 tấn, thời hạn khai thác là 1 năm, sản lượng 2.600 tấn/năm và các vị trí cấp mỏ theo quy định. Đến ngày 23/9/2005, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có quyết định (cấp gia hạn) số 2276/QĐ-UB, cho phép Công ty TNHH Thành Ngân được khai thác tận thu quặng chì kẽm tại mỏ Khao Bo Po (từ tháng 9/2005 đến tháng 9/2006) giữ nguyên là 7 ha và các vị trí cấp mỏ như ban đầu. Đến ngày 26/9/2005, UBND tỉnh Bắc Kạn lại có Quyết định sửa đổi thời hạn được cấp từ cấp 1 năm lên 3 năm, có nghĩa là có hiệu lực cấp mỏ lần này có giá trị khai thác đến tháng 9/2008.
Mỏ Khao Bo Po được Công ty TNHH Thành Ngân khai thác. |
Ngay sau khi được cấp phép lần đầu vào năm 2002, đến tháng 8/2004, Công ty Thành Ngân đã tự ý tổ chức khai thác quặng trái phép ngoài phạm vi được cấp mỏ khoảng 500 mét. Khi việc khai thác trái phép bị phát hiện, ngày 13/5/2005, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Thanh tra Chính phủ, Cục Địa chất khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đến địa điểm do Công ty TNHH Thành Ngân đang khai thác, để cùng tiến hành kiểm tra việc khai thác quặng chì kẽm tại mỏ Khao Bo Po có đúng vị trí như đã cấp phép... Đoàn kiểm tra đã cùng đơn vị khai thác là Công ty TNHH Thành Ngân xác định điểm khai thác bằng thiết bị máy GPS, kết quả cho thấy, điểm đang đào quặng của Thành Ngân đã nằm bên ngoài phạm vi được cấp mỏ khoảng 500 mét.
Trong biên bản cũng ghi rõ rằng, đề án khai thác của Thành Ngân chưa đề cập đến khai thác lộ thiên, yêu cầu Công ty Thành Ngân chỉ được khai thác lộ thiên khi đã có đề án được phê duyệt. Với kết luận trên, Công ty Thành Ngân đã “quên luôn” và không những không dừng việc khai thác trái phép nhỏ lẻ, mà còn mở rộng quy mô khai thác ngày càng lớn hơn. Chỉ trong thời gian khai thác trái phép từ tháng 5/2005 đến ngày 10/11/2006 (ngày lập biên bản vi phạm), Thành Ngân đã đào được 13.024 tấn quặng, xuất bán 3.024 tấn cho hai đơn vị là Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn, Công ty luyện kim màu một thành viên Thái Nguyên. Có tiền từ bán quặng khai thác trái phép, Thành Ngân càng đầu tư trang thiết bị hiện đại cho việc mở rộng khai thác trái phép. Đến khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, Thành Ngân mới bị đình chỉ khai thác, số quặng hiện còn cất giữ tại khu vực văn phòng Công ty Thành Ngân ước khoảng 10.000 tấn.
Theo những người buôn bán quặng tại huyện Chợ Đồn, thì lượng quặng mà Thành Ngân đã khai thác và bán ra ngoài thị trường có thể còn lớn hơn rất nhiều, vì chẳng có cơ quan chức năng nào có thể “cân đong đo đếm” sản lượng khai thác của Thành Ngân, trong khi quặng chì kẽm lại rất dễ bán trôi nổi trên thị trường. Đến nay, sự việc khai thác trái phép quặng chì kẽm của Công ty TNHH Thành Ngân đã rõ, nơi khai thác đang bỏ hoang như hồ nước, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, biên bản vi phạm chỉ giới khai thác cũng đã lập xong từ năm 2006 nhưng chẳng hiểu tại sao các lỗi sai phạm “động trời” đó của Công ty TNHH Thành Ngân lại rơi vào... lãng quên!
Liên quan đến vụ việc trên, Thủ tướng Chính phủ đã xử lý kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Hà Đức Toại bằng hình thức khiển trách vì chỉ trong một thời gian ngắn đã cố ý cấp phép khai thác tài nguyên tại 18 điểm mỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trái các quy định hiện hành. Hành vi kể trên của ông Toại từng gây ra cảnh hỗn loạn trong tranh giành quyền được quản lý, khai thác mỏ, mua bán, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản... giữa nhiều công ty (chủ yếu là tư nhân), làm giàu bất chính cho không ít người trong khi môi trường bị hủy hoại, tài nguyên khoáng sản quốc gia bị “chảy máu”, ngân sách tỉnh Bắc Kạn cũng chẳng thu được gì đáng kể. Ông Toại khi còn đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã “ưu ái” doanh nghiệp Thành Ngân quá mức và để Thành Ngân tham gia phá hủy nhiều ha rừng, hàng trăm m3 đất đá bị đào xới với những hố moong rộng lớn như những công trường khai thác than lộ thiên, không hề được san lấp nhằm phục hồi môi trường, bảo vệ tài nguyên như đã quy định tại Luật Khoáng sản.
Âu Vượng - Quang Đán