Thứ Năm, 02/01/2025 11:11 (GTM+7)

Hà Nội 26oC / 15-28oC

Cổ tích về người dịch truyện cổ tích

27-08-2020 18:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mù lòa ở tuổi ngoài 30, không nghề nghiệp chuyên môn, mọi con đường như đã khép lại trước mắt, nhưng cuộc đời của dịch giả Trần Hữu Kham vẫn tiếp diễn bằng nghị lực phi thường.

Trần Hữu Kham quê ở Vĩnh Hoàng, thuộc Vĩnh Linh - Quảng Trị. Anh sinh 1952, khi cha còn trong tù. Lớn lên vẫn mang khí chất Trạng Vĩnh Hoàng gan góc và liều lĩnh trong nhiều hoạt động phong trào. Đang học năm thứ 3 Học viện Quốc gia Nông nghiệp Sài Gòn thì bị bắt, đi tù ở Côn Đảo. Có thời cũng bị nhốt ở Chuồng Cọp. Năm 1975, từ Côn đảo trở về, chàng trai trẻ của Thành đoàn Khối quận 1 3 10, được phân công làm Chủ tịch một phường ở trung tâm thành phố. Đối diện với nhiều vấn đề không đơn giản nảy ra trong cuộc sống thực tế ngày đầu mới giải phóng, nghe lời cha, anh xin rút lui về đi học để có kiến thức chuyên môn xây dựng đất nước. Vậy mà riêng việc nhập học lại cũng không dễ dàng, năm 1981, anh phải học lại từ năm thứ nhất. Khi đi thực tập ở Long Khánh, một mắt bị mờ. Rồi bị nhỏ nhầm thuốc nên không thể đọc được chữ, không thể báo cáo tốt nghiệp. Đôi mắt ngày càng mờ đã không cho anh làm nghề mình đã học.

Dịch giả Trần Hữu Kham và tác phẩm do ông biên dịch.

Dịch giả Trần Hữu Kham và tác phẩm do ông biên dịch.

Nhưng rồi, sau những năm tuyệt vọng, bàng hoàng, can trường chống chọi với bao nhiêu đau đớn của thể xác vì các loại bệnh tật di chứng từ những năm tuổi trẻ tù đày và cả đôi mắt từ nay đã vô dụng, chàng trai mang dòng máu Trạng Vĩnh Hoàng đã lấy lại ý chí, nghị lực, vận dụng trí thông minh để biến mình thành một người hữu ích. Bước đầu là tham gia dạy tiếng Anh ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu thuộc Hội người mù thành phố. Và rồi, anh đã tìm được một đường đi mới: Dịch sách, thông qua hai ngoại ngữ mà anh thông thạo từ thời còn đi học.

Thật ra, từ 1986, lúc mắt còn giai đoạn đau, với niềm yêu thích văn chương, Kham đã dịch một số sách. Từ năm 1990, các NXB Kim Đồng, Trẻ, Phụ nữ, Văn nghệ... đã in cho anh hơn 20  tập truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện loài vật, đồng thoại... của các nước: Anh, Pháp, Estonia, Latvia, Litva, Hàn quốc, Ái nhĩ lan, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hunggari, Ý, Mỹ, Mônđôva. Riêng Nga có 3 tập: Cái hộp thần diệu, Nàng công chúa chẳng bao giờ cười, Lão sói đần độn.

Từ 2006-2009, NXB Trẻ mua bản quyền để Kham dịch bộ ba cuốn sách khá đặc biệt của Beatrice Spark. Bà là tiến sĩ triết học về lĩnh vực hành vi ứng xử, chuyên gia tư vấn về tâm lý tuổi vị thành niên rất nổi tiếng ở Mỹ. Vào thập niên 1990, ở Mỹ hàng năm có cả triệu trẻ em vị thành niên bị xâm hại tình dục, có thai ngoài ý muốn. Đây là một vấn đề lớn về đạo đức và tâm lý xã hội, là gánh nặng cho các gia đình và cả ngân sách quốc gia. Là chuyên gia tâm lý, bà gần gũi giúp đỡ và được các cháu tin cậy. Nhờ thế bà đã có trong tay nhiều tập nhật ký, ghi chép của các nạn nhân của bạo hành tình dục, vướng vào AIDS, gia đình ly tán, sự sa ngã vì cô đơn và ngây thơ tin vào những gã Sở Khanh đầy rẫy ngoài đời. Ba cuốn: Nhật ký Nancy, Con của Annie Tình yêu lừa dối, là do bà biên tập từ những nhân vật có thật. Các tác phẩm này khi in ở Mỹ đã có một hiệu ứng rất tích cực: Báo động  cả xã hội và các bậc làm cha mẹ quan tâm đến con cái khi ở tuổi vị thành niên. Xuất bản ở Việt Nam, sách cũng được đón nhận như một cảnh báo cần thiết và cấp thiết.

“...Nancy trong cơn hoảng loạn, lạc mất bạn bè được một chàng trai lịch lãm đứng ra che chở. Trái tim thiếu nữ của Nancy đã ngân lên những cảm xúc đẹp đầu đời. Nancy có hoàn cảnh gia đình giống với khá nhiều gia đình phương Tây hiện đại, bố mẹ ly thân, cô sống với mẹ. Sau những lần gặp gỡ, chàng trai ấy được Nancy mời đến nhà trong lúc mẹ đi vắng. Nào ngờ, đó là dịp con thú hiện nguyên hình. Nancy bị y cưỡng hiếp. Trước cơn chấn động đầu đời, vốn là một cô bé có ý chí, nghị lực, dám đương đầu với sự thật, Nancy vẫn tìm cách hòa nhập với bạn bè và tiếp tục việc học. Nhưng sức khỏe em bị giảm sút nhanh chóng. Chỉ khi đó người mẹ mê mải kiếm tiền mới phát hiện ra tình trạng của con:  Kẻ lưu manh đã không chỉ cướp đi sự trinh trắng mà con gieo cho Nancy căn bệnh lúc đó không có thuốc chữa. Trong những ngày chiến đấu với bệnh tật. Nancy xem nhật ký như một người bạn thân thiết để giãi bày tâm trạng của mình. Sau một giấc ngủ dài, Nancy đã phải giã biệt cuộc sống. Cuốn sách có lời đề tặng: Dành cho tất cả các bạn trẻ nghĩ rằng bệnh HIV/AIDS không đến với mình”.

Trong những sách dịch được in trong những năm sau này, khi sức khỏe bị sa sút, nhiều bệnh cũ kinh niên tái phát, đe dọa của bệnh hiểm nghèo, với 16 lần hóa trị, 3 lần mổ, đặt 2 stent nhưng hình như các nhân vật đặc biệt trong các tác phẩm được dịch cung cấp cho anh những liều doping tinh thần để vượt qua bạo bệnh, trong đó có 5 cuốn trong bộ sách đồ sộ của nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie (1890-1976). Bà tên thật là Agatha Mary Clarissa Miller là một nhà văn Anh với 80 cuốn tiểu thuyết trinh thám. Theo Sách kỷ lục Guinness, bà là nhà văn có sách trinh thám bán chạy nhất mọi thời đại, với số lượng xuất bản chỉ đứng sau Kinh Thánh và Shakespeare. NXB Trẻ đã mua bản quyền và chọn những người dịch có độ tin cậy cao để mời dịch. Trần Hữu Kham được chọn trong số đó.

Hơn 30 năm qua, anh đã có 34 đầu sách các loại được in dưới nhiều bút danh. Hiện anh còn 10 tập truyện cổ tích các nước chờ in.

Sẽ là thiếu sót, nếu trong những thành công đó, không nhắc đến Lê Hoài Ngọc Hạnh, một kiến trúc sư, người tự nguyện làm bạn đời chia ngọt sẻ bùi với Kham từ hơn 15 năm nay, khi mà Kham đã không còn hy vọng lập gia đình. Để cuộc đời dịch giả Trần Hữu Kham  có một cái kết có hậu mà mọi truyện cổ tích thường dành cho những người tử tế.


Nhà văn Ngô Thảo
Ý kiến của bạn