Hà Nội

'Cổ tích" về cô bé xương thủy tinh thi Vietnam’s Got Talent

17-03-2012 10:20 | Y tế
google news

Mấy hôm rồi, các bác trong khu phố nhà của ngoại ở con phố Hàng Trống thấy vắng bóng Phương Anh - cô bé xương thủy tinh đã làm thổn thức bao khán giả bằng ca khúc “Let’s dance” trong chương trình Vietnam’s Got Talent.

Mấy hôm rồi, các bác trong khu phố nhà của ngoại ở con phố Hàng Trống thấy vắng bóng Phương Anh - cô bé xương thủy tinh đã làm thổn thức bao khán giả bằng ca khúc “Let’s dance” trong chương trình Vietnam’s Got Talent.
Mọi hôm, khách đi qua quán nước bên hè phố vẫn thấy cô gái nhỏ xíu ngồi trên xe lăn quen thuộc khuôn mặt lúc nào cũng tươi tắn, nhí nhảnh quanh quẩn bên bà phụ giúp bà rót nước, rửa chén, tính tiền.

Mấy ngày này vì "xấu hổ" nên cả hai mẹ con cô bé đều trốn biệt sợ thiên hạ nhận ra. Chị Thục Anh, mẹ của Phương Anh đến giữa trưa mới đưa con lên nhà ngoại để chuẩn bị cho con giờ học buổi chiều. Mấy ngày nay giới truyền thông săm soi kỹ lưỡng, lại thêm chuyện lình xình kiện tụng của hai mẹ con Quỳnh Anh trong chương trình Vietnam’s Got Talent, người ta mang ra mổ xẻ, so sánh Phương Anh, Quỳnh Anh. Một đằng ngợi ca hết lời, một đằng thì dè bỉu, chê bôi. Tuy rằng được ngợi ca đấy, nhưng vốn tính giản dị, hai mẹ con chị đã ngại lại càng thêm ngại…

Nhưng, bà ngoại Phương Anh trước đây là một nhà báo, bà từng là phóng viên của báo Thiếu niên và Hoa học trò. Lăn lộn hàng chục năm trong nghề khiến cho bà hoàn toàn thông cảm với giới truyền thông, đồng thời cũng rất tâm lý với con gái và cháu gái. Bà yêu chiều gọi Phương Anh là Bống. Câu chuyện của Bống qua lời bà kể nghe như câu chuyện cổ tích được viết cho lứa tuổi học trò. Mà lại là một câu chuyện có thật.

Bà có ba người con, hai cô con gái và một cậu con trai út. Mẹ của Phương Anh là con thứ hai của bà. Bố của Phương Anh là bạn của cậu út, đến chơi với gia đình và quen mẹ Phương Anh, hai người yêu nhau hơn một năm rồi kết hôn. Một năm sau đó, Bống cất tiếng khóc chào đời. Ngay từ khi lọt lòng thể trạng của Bống rất yếu, nhìn Bống nằm chơi trên nôi mọi người muốn bế Bống lên nhưng vì không như những đứa trẻ khác, xương của bé rất yếu, bế Bống cũng phải có kiểu để bế. Cuối cùng ngoài mẹ của Bống thì không ai dám bế em lên.

Năm Bống 1 tuổi, mẹ đưa bé sang Đức để chạy chữa. Năm Bống lên 3 tuổi mẹ cũng đã đưa em sang Úc để trị bệnh theo lời mời của hai vợ chồng là giám đốc một bệnh viện bên Úc. Hai vợ chồng người bác sĩ tốt bụng còn nhận em làm con nuôi. Qua bao năm tháng, mẹ Bống đưa Bống đi rất nhiều nơi chữa trị và căn bệnh đấy không thể khỏi hẳn mà chỉ duy trì tình trạng sức khỏe ổn định cho em. Bằng tình thương vô bờ người mẹ ấy đã truyền cho con mình một tâm hồn trong sáng, một nghị lực phi thường với niềm khát khao cuộc sống.

Tươi vui, nhí nhảnh và chinh phục khán giả trên sân khấu Vietnam's Got Talent.

Ngoại bảo: "Ông trời không lấy đi hết cái gì của ai bao giờ. Con bé như có giác quan thứ sáu. Vui tươi, lạc quan lắm, chẳng bao giờ nó biết buồn đâu". Bà chứng kiến từ ngày cháu bà ra đời đến giờ bao nhiêu đứa trẻ đồng trang lứa ngày một lớn hơn lên, chúng như chim non bay nhảy khắp nơi còn Bống vẫn không hơn xưa là mấy, đi lại khó nhọc, ngày ngày ngồi trên xe lăn, thế nhưng… Và bà thấy mình thật hạnh phúc vì đứa cháu này. Mới hôm qua thôi khi bà ra chợ, một cô nhận ra bà là bà của Phương Anh, bảo cô bên cạnh thôi khoan hãy bán hàng mà giới thiệu: "Bà của cô bé xương thủy tinh hát trên Vietnam’s Got Talent đấy…". Thế là mọi người xúm lại bảo: "Cháu của bà hát hay ghê", "Cô bé đáng yêu quá". Nghe vậy bà vui lắm…

Có lẽ sự thiệt thòi về thể xác lại nuôi dưỡng trong tâm hồn cô bé cảm xúc dạt dào và sự cảm nhận về cuộc sống sâu sắc, tinh tế. Ngay từ bé, Bống đã có năng khiếu về văn và ngoại ngữ. Những bài văn của Bống từ ngày đầu đi học đã đạt điểm rất cao. Có bài văn tả về ông đã khiến cho bà đọc mà rơi nước mắt. Cho đến giờ bà vẫn còn lưu lại những bài văn ấy. Bà cất chúng vào trong một cái hộp, bà bảo: "Sau này sẽ đưa lại cho Bống". Ngày nhỏ, từ khi Bống biết viết những dòng cho mình, Bống nói với bà: "Bà cất quyển nhật ký của cháu vào đống quần áo của bà, bà cất kỹ đi đừng để cho ai biết nhé".

Hồi bà tổ trưởng dân phố ở khu phố này còn sống chính Bống đã tự tay viết gửi bà một bức thư với nội dung bảo vệ cây xanh và môi trường. Rồi bức thư khác với ý tưởng đèn đường và dây điện, cột điện. Quán nước của nhà ngoại nhìn thẳng ra Hồ Gươm lộng gió, khung cảnh nơi đây như một bức tranh thủy mặc nên thơ, mà mỗi mùa cho một nét chấm phá đầy quyến rũ, riêng biệt. Cô bé vốn dĩ đã mang trong mình một trái tim đa cảm, lại giữa thiên nhiên đất trời đầy mê hoặc, và ngày ngày phụ giúp bà bên quán nước chứng kiến những bộn bề tấp nập hối hả của cuộc sống, từ đây nhiều ý tưởng đã xuất hiện. Những ý tưởng xuất phát từ khao khát muốn cống hiến và ý thức trách nhiệm của công dân với môi trường xã hội.

Bống và mẹ.


Tuy hạn chế về sức khỏe, nhưng dường như trong Bống nghị lực là điều không bao giờ thiếu. Cô bé từ nhỏ cho đến giờ khi đang là nữ sinh lớp 10 Trường THPT Việt Đức năm nào cũng đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài giờ học, em lại khát khao muốn tìm hiểu và khám phá thế giới quanh ta. Bống rất chăm đọc sách. Mẹ mua rất nhiều sách cho em. Tờ báo Bống đọc thường xuyên là Hoa học trò. Ngoại kể, có ngày mẹ quên mua báo cho Bống, ở các sạp cũng hết, Bống òa khóc, bà dỗ dành mãi rồi bà gọi điện cho bác Tổng biên tập báo Hoa học trò. Cảm kích vị độc giả trẻ tuổi, bác gửi tặng báo cho Bống.

Gần đến ngày sinh nhật của Bống, ngoại còn đang phân vân vì không biết mua quà gì cho Bống, thì em trai của Bống đang học lớp 6 tư vấn: "Bà mua sách tặng chị Bống đi. Chị Bống chỉ thích sách thôi". Không chỉ có năng khiếu văn thơ, mà ngoại ngữ cũng là thế mạnh của cô bé.

Vừa rồi, Bống thi giành được hai suất học bổng của Đức và Anh. Cách đây hơn một tháng cócuộc thi về máy tính do phía Hàn Quốc tổ chức tại Việt Nam, Bống đăng ký dự thi và em giành được giải đặc biệt. Phần thưởng là một chiếc laptop trị giá 1.000 USD và một tivi 50 inch. Chiếc tivi thì Bống tặng nhà trường nơi Bống đang học, còn máy tính Bống cho em trai của mình, cậu bé rất có năng khiếu về toán. Ngoài ra, ít ai biết được Bống còn là phát thanh viên nhỏ tuổi nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chuyện là, mẹ của Bống tham gia vào công tác phát thanh viên của đài từ nhiều năm trước.  

Cách đây 4 năm, khi Bống lên lớp 6,  mẹ đưa Bống đến đài, từ đó "đài từ" của em cũng khá tốt và mỗi ngày em rất chăm chú nghe đài, câu chuyện cho thanh thiếu niên, nên khi thử giọng cô bé lập tức chinh phục được mọi người.  Đã 4 năm trôi qua, cho đến giờ Bống vẫn tham gia đọc cho chương trình Thanh thiếu niên của Đài. Mẹ Bống ủng hộ việc em tham gia công tác xã hội mà bản thân em rất thích. Tuy rằng công việc của mẹ rất bận, nhưng đôi khi cả ba mẹ con, mẹ Bống, Bống và em trai đều đọc một chương trình của Đài. Có lẽ sự say mê trong công việc đã khiến em quên đi bệnh tật và thấy cuộc sống đáng quý biết bao.

Nhiều khi ba đứa cháu của bà, hai chị em Bống, Bin và em Nghé con cậu út, cháu đích tôn của bà quây quần quanh bà ngoại, chúng quấn quýt yêu quý nhau. Biết Bống không thể ra khỏi chiếc xe đẩy, hai em yêu chị chúng lắm. Chúng coi Bống là thiên thần nhỏ. Chúng bảo: "Thiên thần nhỏ" thì không thể đi mà chỉ có bay thôi. Tuy nhiên, không phải thiên thần lúc nào cũng bay được vì nhà rất chật. Chúng thường kể những câu chuyện hài hước cho chị nghe rồi cả ba chị em lên mạng mày mò tìm kiếm thông tin đặc biệt. Chúng giúp chị lấy nước và kem đánh răng, hay lấy những vật dụng này khác. Tổ ấm nhỏ ăm ắp tiếng cười khi ba chị em Bống ríu rít bên nhau.

Cu Bin ngay từ lúc mới lẫm chẫm biết đi cũng đã hiểu rằng không được xô mạnh vào xe lăn của chị. Hiểu căn bệnh của chị nên nó trở nên cứng cỏi và già dặn trước tuổi. Biết mẹ chăm cho chị ăn theo thực đơn đặc biệt, rồi mẹ lại nấu ăn phục vụ mấy bố con, cậu bé tếu táo đùa với bố: "Bố lấy được người vợ biết nấu ăn ngon, tề gia nội trợ đảm đang như vậy thế còn muốn gì nữa…". Bố Bống đang làm giám đốc cho một hãng sữa chống loãng xương. Chúng tôi đồ rằng tình thương với cô con gái đầu lòng đã dẫn dắt ông vào việc nghiên cứu loại sữa riêng đặc biệt này.

Dù tật bệnh như vậy nhưng Bống lúc nào cũng lạc quan yêu đời, cô bé rất thích hát. Ngoại bảo mỗi lần vào nhà tắm, Bống ở lì trong đó rất lâu, có khi đến hai tiếng đồng hồ và lần nào cũng cất tiếng hát vang. Ngay từ năm cấp II, Bống đã tham gia vào các phong trào văn nghệ. Nói đến đây giọng của ngoại trùng xuống, ký ức xưa dội về, bà nghẹn ngào, Bống hát mà nhiều người muốn chảy nước mắt. Cô giáo thương Bống lắm, ngày 8-3 còn tặng cho Bống khuyên tai và vòng tay nữa…

Còn chúng tôi, những người đến nhà ngoại của em nhớ lại hình ảnh khi Bống cất tiếng hát trên sân khấu của chương trình Vietnam’s Got Talent, khi em ngồi thì mọi người lại đứng lên, một giọng ca đầy nội lực và cô bé với động tác khéo léo, quyến rũ này đã làm mê hoặc mọi người. Trong cánh gà sân khấu, mẹ Bống đã khóc, sau này chị tâm sự là lúc ấy chị thấy mình thật hạnh phúc, khi thấy khán phòng là bầu không khí ăm ắp cảm xúc.

Ngay sau khi phần thi của em được lên trên trang Youtube, hàng ngàn người bấm nút yêu thích, rất nhiều người gửi đến em với những lời lẽ đầy âu yếm, trìu mến. Một khán giả đã viết: "Khi nghe cháu hát, cô đã khóc". Đấy không phải là trường hợp ngoại lệ, khi em cất tiếng hát nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Nhưng Bống đôi khi lại ngơ ngác, hỏi mẹ: "Có phải con hát hay thật không mẹ, hay là mọi người thấy con ngồi xe…". Mẹ yêu Bống bằng tất cả tình cảm bao dung và vô bờ của một người mẹ, chị giảng giải cho con hiểu cô bé đã chinh phục mọi người như thế nào. Bà ngoại bảo, những ngày này hai mẹ con trốn biệt có lẽ cả hai mẹ con đang vô tình bị áp lực mà vốn dĩ vẫn quen cuộc sống phẳng lặng giờ lại bị nhòm ngó nên cũng ít nhiều mất đi sự tự nhiên.

Theo lời ngoại kể, mẹ Bống chiều Bống nên đã thu giọng hát của em vào một cái đĩa có 10 bài hát. Nhưng đĩa này chỉ là để "lưu hành nội bộ" trong phạm vi gia đình, mọi người thi thoảng lại bật đĩa của Bống ra nghe. Cô bé hay chọn những ca khúc sôi động, nhí nhảnh hợp với lứa tuổi của em.

Nhân kỷ niệm 17 năm ngày cưới của bố mẹ, Bống đặt vé trên mạng rồi mời bố mẹ và em trai đi xem phim. Ngoại bảo, Bống thi thoảng lang thang trên mạng thấy phim nào hay là lại đặt vé để cả nhà đi xem phim khi thì ở Vincom, lúc lại ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Ngoài niềm đam mê văn học, cô bé thi thoảng cũng làm thơ, thơ Bống chỉ để dành riêng cho mình. Thỉnh thoảng Bống đọc cho bà nghe. Hai bà cháu lại dí dủm cười.

Bống rất yêu thích chương trình văn học nghệ thuật trên truyền hình, đôi khi bắt gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa trên một kênh nào đó là Bống lại nói với bà: "Thần tượng của cháu đấy, bà ạ!". Bà còn khoe là cô bé thuộc khá nhiều thơ của Trần Đăng Khoa nữa. Bà còn bảo lát nữa tan học về Bống sẽ đến đây với bà. Bà vừa dứt lời thì hai mẹ con thấp thoáng ở cửa. Cô bẽn lẽn nở nụ cười tươi xinh chào bà và khách… Em chính là mùa xuân rực rỡ

Theo CAND

Ý kiến của bạn