Cháu năm nay là sinh viên năm thứ 4, đầu năm học cháu hay mỏi mắt, sụp mi. Ban đầu, cháu tưởng do học nhiều nên mỏi mắt, cháu đi khám mắt ở phòng khám tư và được uống thuốc bổ. Một thời gian sau, cháu còn bị mỏi mệt toàn thân, đặc biệt là chân tay. Sau nhiều lần đi khám bệnh thì bác sĩ chuyên khoa thần kinh chẩn đoán cháu bị bệnh nhược cơ và cho cháu uống thuốc, trong đó có ambenomium và corticoid. Xin cho cháu biết bệnh nhược cơ có nguy hiểm không? Có chữa khỏi không và cháu phải uống thuốc thế nào cho đúng?
Nguyễn Thị Thùy (Bắc Giang)
Nhược cơ là bệnh tự miễn mắc phải, liên quan đến tổn thương khớp nối thần kinh - cơ. Là bệnh hiếm gặp nhưng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu tổn thương vùng hầu họng hoặc các cơ hô hấp.
Về điều trị, cần phối hợp giữa điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân. Phác đồ điều trị phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Trong thư bạn có nói đến hai loại thuốc mà bác sĩ đã kê đơn. Một loại là thuốc kháng cholinergic (ambenomium) phối hợp với corticoid.
Thuốc kháng cholinergic hay được sử dụng là neostigmin (prostigmin), pyridostigmin (mestinon), ambenomium (mytelase). Thuốc có tác dụng ức chế sự phân hủy của acetyl-cholin bởi men cholinesterase và tăng độ tập trung của acetyl-cholin ở khớp nối thần kinh - cơ. Thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng nhưng hiệu quả của thuốc giảm dần theo thời gian điều trị. Để phát huy hiệu quả tốt nhất, thuốc được sử dụng trước bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ, thuốc tiêm được chỉ định ở giai đoạn cấp hoặc khi bệnh nhân có rối loạn nuốt. Liều lượng hàng ngày thay đổi tùy thuộc từng bệnh nhân, thông thường chỉ định từ liều thấp rồi tăng dần tới liều hiệu quả.
Nếu dùng thuốc quá liều có thể dẫn đến thiếu sót vận động tăng lên và suy hô hấp vì sự nghỉ bù không hồi phục của tấm vận động. Hiện tượng này còn gọi là cơn cholinergic, cần được phát hiện và xử trí sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Những triệu chứng quá liều thuốc kháng cholinergic: vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt và dịch phế quản, buồn nôn, chậm nhịp tim, tiêu chảy, đau bụng, co đồng tử, máy cơ, chuột rút.
Để giảm tác dụng không mong muốn của thuốc kháng cholinergic, người ta có thể sử dụng atropin nhưng nguy cơ che khuất triệu chứng của quá liều thuốc kháng cholinergic.
Corticoid được chỉ định trong trường hợp tác dụng kém với thuốc kháng cholinergic và không đỡ sau cắt bỏ tuyến ức.
Khởi đầu dùng liều thấp, tăng liều dần tới liều tấn công trong vòng 10 ngày, duy trì ở liều tấn công trong vòng 4 tuần, sau đó giảm liều dần và duy trì ở liều thấp có hiệu quả trong nhiều tháng.
Ngoài ra, cần bổ sung vitamin, kali và canxi, thuốc bảo vệ dạ dày (tránh tác dụng phụ của corticoid).
Khi tuân thủ điều trị đúng phác đồ, hiệu quả điều trị sẽ đạt được sau 2 - 4 tuần và hiệu quả tối ưu sau 6 tháng đến một năm.
Trong quá trình điều trị, nếu không đáp ứng các biện pháp điều trị bằng thuốc trong một thời gian, có thể phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức. Bệnh sẽ được cải thiện sau phẫu thuật khoảng 12 -18 tháng. Trường hợp u tuyến ức có xâm lấn, cần tiến hành điều trị tia xạ hoặc hóa chất chống ung thư phối hợp. Ngoài ra, tùy trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc làm giảm phản ứng miễn dịch, thay huyết tương, tiêm truyền globulin…
Tuy việc điều trị bệnh nhược cơ khá phức tạp và phải kiên trì, nhưng ngày nay với sự tiến bộ của y học, bệnh nhược cơ có thể được điều trị tốt. Do đó, bạn hãy yên tâm và tin tưởng vào kết quả điều trị. Chúc bạn mau khỏe và thành công trong học tập!
BS. Nguyễn Hải