Sau những lần như vậy tôi đều muốn dùng thuốc giải rượu để tiếp tục công việc. Tuy nhiên hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giải rượu nên tôi không biết chọn dùng loại nào. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Đỗ Thế Vinh (Đà Nẵng)
Rượu, bia thường được sử dụng để góp vui. Chúng là thức uống có chứa rượu ethylic với tên khoa học ethanol, độ rượu được xác định theo nồng độ của rượu ethanol trong 100ml sản phẩm. Bia có nồng độ 4-8%, rượu nhẹ có nồng độ 8-12%, rượu mạnh có nồng độ 30-50% tùy loại. Khi uống, bia, rượu được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa và phân phối vào cơ thể.
Trên thị trường hiện nay, các thuốc giải rượu được quảng cáo khá nhiều để giúp người uống rượu bia chống lại tình trạng say xỉn, thậm chí tăng lượng uống để nổi trội trước bạn bè. Thực ra các thuốc giải rượu với nhiều tên khác nhau như RU-21, ME-21, PP-21, mewol-21, voskyo... có thành phần tương tự nhau; chủ yếu là chất đường, các vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid furamic, acid succinic...; chúng không phải là thuốc mà chỉ là một dạng thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ một phần quá trình chuyển hóa của rượu trong cơ thể chứ chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định nó có tác dụng bảo vệ hay phục hồi thương tổn của rượu, bia đối với gan và hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, đừng tin rằng có thuốc giải rượu tốt để hỗ trợ khi bị say xỉn hoặc giúp chiến thắng bạn bè trong các cuộc vui. Thực tế muốn giảm say rượu, cần giảm tốc độ hấp thu rượu bằng thức ăn, giảm tốc độ uống để gan kịp chuyển hóa rượu, tăng khả năng rượu thoát ra qua đường hô hấp, dùng các món ăn có chất chua làm chậm nhu động ruột; có thể dùng các thuốc hỗ trợ tráng lót dạ dày như phosphalugel, kremil-s, maalox... làm chậm quá trình hấp thu rượu.
Trong sinh hoạt giao tiếp, người uống bia rượu khá nhiều nhưng người biết uống thì lại ít. Người biết uống bia, rượu là người uống có chừng mực, kiểm soát chính mình mới có tác dụng tốt, giữ gìn được sức khỏe, không làm cho cuộc vui trở thành buồn với những hệ lụy sau đó. Đừng tin vào thuốc giải rượu để sử dụng rượu bia tùy tiện.
BS. Nguyễn Trâm Anh