Hà Nội

Có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ không?

09-04-2023 10:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, xảy ra quanh năm, nhưng tăng cao từ tháng 2 - 4 và từ tháng 9 - 12. Bệnh không có thuốc đặc hiệu, điều trị chủ yếu là chăm sóc dinh dưỡng và điều trị triệu chứng.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Thời gian ủ bệnh tay chân miệng thường từ 3 đến 6 ngày sau khi trẻ nhiễm virus. Triệu chứng đầu tiên là trẻ mệt mỏi, sốt nhẹ dưới 38 độ C. Trẻ bị đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày, sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát.

Đến giai đoạn toàn phát, bắt đầu xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp ở mông. Các mụn nước ở miệng dễ bị dập vỡ, tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm trẻ khó ăn uống, quấy khóc. Những bọng nước ở tay, chân thường không gây đau. Nếu không bị vỡ, bội nhiễm… thì bọng nước ngoài da chỉ tồn tại trong vòng 7 - 10 ngày rồi tự mất đi kể cả khi không được điều trị.

Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ - Ảnh 1.

Các nốt, bọng nước do tay chân miệng.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh. Thông thường, chỉ cần điều trị các triệu chứng. Tuy nhiên bệnh có thể dẫn đến biến chứng viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… Các biến chứng này hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Điều quan trọng, khi trẻ bị tay chân miệng cần đưa đến cơ sở y tế khám bệnh. Bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị, chăm sóc cho trẻ tại nhà. Hoặc nếu trẻ có biểu hiện bệnh nặng cần điều trị nội trú sẽ cho trẻ nhập viện. Phụ huynh không được tự mua thuốc điều trị.

Điều trị tại nhà cho bệnh nhi dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Với các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

- Hạ sốt, giảm đau: Dùng paracetamol 10 -15mg/kg cân nặng/mỗi 6 giờ, chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên.

- Chất sát trùng dạng bôi: Bôi vào các phỏng nước, vết loét ngoài da.

Có thể bổ sung các sản phẩm tăng cường đề kháng cho trẻ. Sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành. Riêng với vitamin C, bổ sung bằng thực phẩm (kiwi, cam vắt…) tốt hơn dùng thuốc do thuốc có vị chua, sẽ làm trẻ đau, khó chịu.

Vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng. Cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn.

Trường hợp có bội nhiễm, có thể cần sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Các kháng sinh dùng cho trẻ như amoxicillin, clavulanic, hoặc cephalexin…

Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 7 ngày đầu của bệnh.

Lưu ý: Chuyển trẻ ngay đến cơ sở y tế nếu có dấu hiệu: Sốt cao trên 38,5 độ C; hoặc đi loạng choạng, không giữ được thăng bằng; hoặc giật mình lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh…

Khi trẻ rơi vào tình trạng này nếu không được chăm sóc bởi các bác sĩ, có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm hơn như co giật, bất tỉnh...

Không nên bôi, xức các loại thuốc lên các mụn nước đã vỡ. Bởi khi các vết lở hay mụn nước ngoài da khô đi nhờ thuốc bôi, các bác sĩ sẽ khó chẩn đoán chính xác bệnh trạng của các em bé hơn.

Điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ - Ảnh 3.

Khi trẻ bị ốm, cần thường xuyên theo dõi thân nhiệt và trạng thái của trẻ để kịp thời thông báo với bác sĩ.

3. Cách chăm sóc trẻ

Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát... nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét.

Nếu trẻ ăn ít, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để đảm bảo dinh dưỡng. Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem.

Dù trẻ chỉ bị nhẹ và vẫn khỏe mạnh như thường, nên cho trẻ nghỉ học đến khi hoàn toàn khỏe mạnh để tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.

Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân. Cần cắt móng tay cho trẻ, rửa sạch bằng xà bông để tránh cho trẻ gãi vỡ bóng nước gây nhiễm trùng da.

Giặt các đồ dùng của trẻ và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.

Mời độc giả xem thêm video:

"3 nên, 5 kiêng" khi con bị thủy đậu để bé mau khỏi, không biến chứng | SKĐS

ThS.Nguyễn Minh Hiền
Ý kiến của bạn