Hà Nội

Có thuốc chữa nẻ?

03-10-2019 07:35 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Cứ mùa đông là da tôi rất khô và nẻ. Má luôn đỏ ửng, ngứa, rát, có khi còn nứt thành vệt, rớm máu… Xin hỏi, có thuốc nào chữa nẻ không? Dùng như thế nào?

Nguyễn Thanh Hà (Nam Định)

Với các triệu chứng trong thư cháu mô tả, thì đó là dấu hiệu của khô da khá nặng, dẫn đến nẻ. Khi da bị khô nẻ, lớp thượng bì trên cùng trở nên thô, nhăn nheo, đôi khi bong hàng lớp tế bào da chết trông như da bị mốc, nhiều trường hợp da trông xù xì. Một số người có thể bị ngứa nhẹ. Nếu không giữ vệ sinh vùng da nẻ rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công dẫn đến viêm da, nổi mụn trứng cá…

Khi da bị nẻ, việc chú ý giữ vệ sinh vùng nẻ rất quan trọng. Cần rửa mặt nhẹ nhàng ngày 2 - 3 lần bằng nước ấm vừa phải, không dùng nước nóng sẽ làm cho da mất nước nhiều hơn. Không nên lạm dụng sữa rửa mặt và xà phòng vì hoạt chất tẩy rửa trong các sản phẩm trên sẽ càng tẩy mất chất nhờn trên da nhanh hơn, da càng thêm khô.

Có thuốc chữa nẻ?

Sau khi rửa mặt xong, có thể bôi các chế phẩm làm ẩm, mềm da như physiogel, cetaphil, vitamin E… Các loại kem chứa vaselin, glyceryl, saccharid isomerate, lanolin, mineral oil... có cấu trúc ngậm nước và giữ ẩm cho da, tránh tình trạng khô da nứt nẻ. Các loại kem chứa các thành phần như dầu jojoba, vitamin E, dầu hướng dương, milk protein... thường được dùng như một sản phẩm dưỡng da chống lão hóa và giữ ẩm cho da nhằm ngăn chặn các triệu chứng như khô ráp, nhăn. Thường thì kem bôi nẻ rất ít tác dụng phụ, song với những trường hợp da nhạy cảm, có tiền sử dị ứng, vẫn có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn.

Tuyệt đối không bôi các thuốc có chứa steroid như trangala, cortebios, chlorocid H, flucinar, fobancort, gentrisone, diprosone... Đây là các thuốc điều trị bệnh lý ở da, không có tác dụng chữa nẻ. Dùng kéo dài các thuốc này sẽ gây nên nhiều hậu quả xấu như nổi mụn trứng cá, da mặt sần sùi, teo da. Có tình trạng nhiều người còn dùng thuốc mỡ tetracyclin tra mắt để chữa nẻ. Việc này rất sai lầm do mỡ tetracyclin là thuốc kháng sinh dạng bôi để điều trị tình trạng viêm, không có tác dụng chữa da bị khô nẻ, rất hạn chế dùng trên da mặt.

Hàng ngày nên ăn uống nhiều hoa quả, nước quả tươi, rau xanh và uống nhiều nước để cung cấp đủ lượng nước cho da, da sẽ đỡ bị khô. Khi trời lạnh, nhu cầu nước cho cơ thể vẫn rất cao do vậy vẫn phải uống nước đều đặn. Ngày 2-3 lần lấy khăn thấm nước ẩm ủ lên mặt chừng 1-2 phút để da bớt bị khô và căng. Khi ra ngoài trời nên đeo khẩu trang để hạn chế da bị tiếp xúc với ánh nắng, khói bụi, càng dễ bị nẻ.


DS. Hà Lê
Ý kiến của bạn