Viêm túi mật (VTM) được chia thành cấp tính và mạn tính. VTM cấp tính là tình trạng túi mật bị viêm xảy ra một cách đột ngột. VTM mạn tính là khi túi mật bị viêm với mức độ nhẹ hơn và diễn tiến trong một thời gian dài và là kết quả của các đợt VTM cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần mà không được điều trị. Lâu ngày, túi mật sẽ bị tổn thương và dày lên, nếu không được phát hiện, nó sẽ có thể bị teo nhỏ và mất khả năng lưu trữ, tống xuất dịch mật xuống ruột non. Bệnh cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để phòng những biến chứng có thể dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn: E. coli, Klebsiella, Streptococcus nhóm D, Staphylococcus và Clostridium. Khi có sỏi đường mật, nhất là sỏi cổ túi mật hoặc giun chui ống mật sẽ gây tắc nghẽn đường mật, muối mật kích thích gây tổn thương thành túi mật, lúc đó, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào trong túi mật và phát triển gây ra VTM cấp. Sự căng của túi mật gây ra thiếu máu kèm viêm nhiễm có thể gây hoại thư túi mật. Một số hiếm trường hợp VTM không do tắc nghẽn như do chấn thương bụng vùng túi mật, trong đái tháo đường, viêm nút quanh động mạch, nhiễm trùng huyết.
Hình ảnh túi mật bị viêm.
Làm sao điều trị?
VTM có hay không có sỏi sẽ được điều trị nội khoa tích cực trước với thuốc giảm đau, truyền dịch qua đường tĩnh mạch, kháng sinh. Nếu thất bại sẽ phải điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa:
Ở giai đoạn sớm, VTM chưa xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn túi mật với một số lưu ý như: người bệnh cần được nghỉ ngơi, truyền dịch để nuôi dưỡng và cân bằng nước điện giải. Dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ trơn như nospa hay spasmaverin. Tùy theo tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ cho chỉ định dùng kháng sinh phù hợp.
Các thuốc thuộc nhóm imidazole (metronidazole, tinidazole, ornidazole): Thuốc có tác dụng tốt với các nhiễm khuẩn do các vi khuẩn kỵ khí, nhất là nhiễm khuẩn tiêu hóa và giá thành rẻ nhưng khi dùng thuốc kéo dài cần lưu ý vì có thể gặp tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, nổi mày đay... Các dấu hiệu này thường nhẹ và mất sau khi cơ thể đào thải hết thuốc. Đặc biệt, đối với bệnh nhân có tiền sử rối loạn huyết động học khi sử dụng dài ngày loại thuốc này nhất thiết phải được theo dõi công thức bạch cầu. Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc trong thời kỳ cho con bú.
Thuốc ciprofloxacin hoặc peflacin là lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn tiêu hóa do giá thành rẻ, hiệu quả cao. Thuốc hấp thu nhanh và dễ dàng qua đường tiêu hoá thức ăn và các thuốc kháng acid làm chậm hấp thu thuốc. Tuy nhiên, khi dùng thuốc có một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra như: rối loạn tiêu hoá (buồn nôn, nôn, tiêu chảy); gây đau nhức xương khớp, kém phát triển xương khớp, nhất là ở tuổi đang phát triển; ngoài ra, có thể có các biểu hiện khác như nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, có trường hợp kích động, động kinh, nhất là khi dùng cùng với theophylin, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu đa nhân, giảm tiểu cầu, thiếu máu.
Với một số trường hợp bệnh nặng, cần sử dụng phối hợp kháng sinh và dùng bằng đường tiêm, thường phối hợp thêm với cephalosporin thế hệ 3 như cefotaxim, ceftriazon hoặc cefuroxim. Ngoài ra, cần chú ý đến nhiễm các vi khuẩn kỵ khí, do đó, cần phối hợp thêm metronidazol hoặc clindamycin (dalacin).
Để việc điều trị có được hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý mua thuốc uống hoặc tự ý dừng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
Điều trị ngoại khoa:
Với điều trị ngoại khoa, mổ cắt túi mật cấp cứu khi có biểu hiện viêm túi mật hoại tử, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc do thủng túi mật. Chỉ định mổ chương trình cắt túi mật khi viêm túi mật tái phát nhiều lần, túi mật có sỏi lớn, nhiều sỏi hoặc viêm teo mạn tính. Hiện nay, phương pháp cắt túi mật qua nội soi là phương pháp tiến bộ đã được áp dụng tại nhiều bệnh viện giúp rút ngắn ngày điều trị, giảm đau sau mổ và an toàn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi bị VTM cấp, cần loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn. Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền. Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón.
VTM (hoặc đường mật) mạn tính, bệnh nhân thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa cũng cần áp dụng chế độ ăn hạn chế chất béo: chỉ nên ăn thịt trắng và nạc, không có mỡ. Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Nên dùng nhiều với các thức ăn giàu glucid vì dễ tiêu. Không dùng chocolate, ca cao, các thức ăn có trộn thêm trứng và bột như bánh ngọt vì gây khó tiêu.
Để phòng tránh bệnh, nên áp dụng chế độ ăn uống ít chất béo, hạn chế các đồ ăn có nhiều cholesterol; vệ sinh ăn uống, trước khi ăn cần rửa tay sạch để tránh nhiễm giun; định kỳ xét nghiệm tìm trứng giun sán trong phân, nếu có thì phải tẩy giun sán; khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần/1 năm.