Hà Nội

Có thuốc chữa được dứt điểm bệnh vẩy nến?

16-12-2021 21:11 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bệnh vẩy nến có thể gây các biến chứng khiến sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng… Liệu thuốc có chữa được dứt điểm, cách điều trị và dự phòng như thế nào?

Kiểm soát bệnh vẩy nến bằng kết hợp thảo dượcKiểm soát bệnh vẩy nến bằng kết hợp thảo dược

SKĐS - Bệnh vẩy nến là một bệnh viêm da mạn tính, bệnh bạch cầu trung tính có liên quan đáng kể đến hệ thống miễn dịch bẩm sinh và đặc hiệu.

1. Bệnh vẩy nến là gì?

Bệnh vẩy nến là một bệnh ngoài da, liên quan đến hệ thống miễn dịch. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức làm tăng tốc độ phát triển của tế bào da gây ra các mảng vảy đỏ, ngứa. Thường gặp nhất là ở đầu gối, khuỷu tay, thân và da đầu. Bệnh vẩy nến là một bệnh phổ biến, kéo dài (mãn tính) và hiện chưa có cách chữa khỏi, có xu hướng chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng, sau đó thuyên giảm.

Tình trạng viêm do bệnh vẩy nến có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và mô khác trong cơ thể. Ngoài ra, những người bị bệnh vẩy nến cũng có thể gặp các tình trạng sức khỏe khác.

2. Dấu hiệu và triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến có thể khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh vẩy nến.

5 triệu chứng phổ biến nhất của bệnh vẩy nến bao gồm:

  • Phát ban hoặc các mảng da đỏ, viêm, thường được bao phủ bởi các vảy màu bạc, lỏng lẻo; trong trường hợp nghiêm trọng, các mảng sẽ phát triển và liên kết với nhau, bao phủ các vùng rộng lớn.
  • Da ngứa, đau có thể nứt hoặc chảy máu.
  • Khu vực chảy máu nhỏ vùng da liên quan bị trầy xước.
  • Các vấn đề ở móng tay và móng chân như đổi màu và rỗ; móng tay cũng có thể bắt đầu vỡ vụn hoặc tách ra khỏi lớp móng.
  • Các mảng vảy trên da đầu.

Bệnh vẩy nến cũng có thể liên quan đến viêm khớp vẩy nến, gây đau nhức, sưng khớp. Từ 10% đến 30% những người bị bệnh vẩy nến có tình trạng đau khớp này.

Một số dấu hiệu và triệu chứng cơ bản thường thấy dễ nhận biết:

  • Các mảng da đỏ được bao phủ bởi lớp vảy dày, màu bạc;
  • Các đốm vảy nhỏ (thường thấy ở trẻ em);
  • Da khô, nứt nẻ, có thể chảy máu hoặc ngứa;
  • Ngứa, rát hoặc đau;
  • Móng dày, rỗ hoặc có rãnh;
  • Khớp sưng và cứng…
photo-1639315941266

Bệnh vẩy nến gây ra các mảng vảy đỏ, ngứa, thường gặp nhất là ở đầu gối, khuỷu tay…

3. Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến

Điều trị bệnh vẩy nến thường đòi hỏi một số phương pháp tiếp cận khác nhau để kiểm soát tình trạng bệnh bao gồm thay đổi lối sống, thuốc, dinh dưỡng. Các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến nhằm mục đích ngăn chặn các tế bào da phát triển quá nhanh và loại bỏ vảy.

Các lựa chọn bao gồm liệu pháp tại chỗ (kem và thuốc mỡ), liệu pháp ánh sáng (đèn chiếu) và thuốc uống hoặc tiêm.

3.1. Điều trị bệnh vẩy nến bằng liệu pháp tại chỗ

Thuốc bôi trực tiếp lên da thường hiệu quả đối với bệnh vẩy nến nhẹ đến trung bình. Bên cạnh đó, những trường hợp nặng có thể kết hợp điều trị tại chỗ với thuốc uống hoặc liệu pháp ánh sáng như kem dưỡng ẩm, axit salicylic, carbon hoạt tính, thuốc mỡ corticosteroid, chất tương tự vitamin D, retinoids, anthralin (dritho), chất ức chế calcineurin (tacrolimus-prograf và pimecrolimus – elidel).

photo-1639315943097

Thuốc bôi trực tiếp lên da thường hiệu quả đối với bệnh vẩy nến nhẹ đến trung bình.

3.1.1 Thuốc corticoid tại chỗ

Thuốc corticoid có đặc tính chống viêm, chống tăng sinh và ức chế miễn dịch; thường được kê đơn để điều trị bệnh vẩy nến nhẹ đến trung bình, có hiệu quả trong việc cắt cơn ngứa.

Thuốc có sẵn dưới dạng thuốc mỡ, kem, gel, bọt, thuốc xịt và dầu gội.

Thuốc mỡ corticosteroid nhẹ (hydrocortisone) thường được khuyên dùng cho các vùng nhạy cảm (mặt hoặc các nếp gấp trên da).

Corticosteroid tại chỗ có thể dùng mỗi ngày một lần trong các đợt bùng phát. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc mỡ hoặc kem corticosteroid mạnh hơn - triamcinolone (acetonide, trianex), clobetasol (temovate), betamethasone (0,12%) cho những vùng da nhỏ hơn, ít nhạy cảm hơn hoặc khó điều trị.

Tuy nhiên cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc corticoid dùng tại chỗ như: Nguy cơ gây teo da dẫn đến da mỏng, dễ bầm tím, rạn da, tăng mọc lông mịn, giảm sắc tố da, viêm da tiếp xúc dị ứng và hấp thu toàn thân dẫn đến ức chế tuyến thượng thận…

3.2.2 Retinoids tại chỗ (tazarotene)

Loại thuốc này có hiệu quả đối với bệnh vẩy nến nhưng không có hoạt tính chống ngứa. Thuốc có sẵn dưới dạng gel và kem, bôi một hoặc hai lần mỗi ngày. Tác dụng phụ của thuốc có thể khiến da bị khô và làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa.

3.2.3 Chất tương tự vitamin D3

Đây là phương pháp điều trị bệnh vẩy nến an toàn và hiệu quả. Các chất tương tự vitamin D3 làm tăng sự biệt hóa tế bào sừng và ức chế sự tăng sinh và có hiệu quả tương tự như corticosteroid tại chỗ. Có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc với corticosteroid tại chỗ. Calcipotriene là chất tương tự vitamin D3 được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh vẩy nến, có sẵn dưới dạng thuốc mỡ, kem và dung dịch bôi da đầu.

Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ, thường gặp nhất là kích ứng da và tăng nhạy cảm với ánh sáng.

3.2.4 Thuốc ức chế calcineurin

Các thuốc ức chế calcineurin như tacrolimus (protopic) và pimecrolimus (elidel) có tác dụng giảm viêm và tích tụ mảng bám. Thuốc đặc biệt hữu ích ở những vùng da mỏng (quanh mắt) nơi các loại kem steroid hoặc retinoid quá kích ứng hoặc có thể gây ra các tác dụng có hại.

3.2.5 Axit salicylic

Axit salicylic tại chỗ có sẵn ở nhiều công thức khác nhau. Thuốc không kê đơn bao gồm kem, gel, lotion, thuốc mỡ, miếng dán, thạch cao, dầu gội, xà phòng và dung dịch. Các loại dầu gội và dung dịch dành cho da đầu có chứa axit salicylic làm giảm sự phát triển của bệnh vẩy nến da đầu. Sản phẩm có chứa 6% axit salicylic đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với corticosteroid tại chỗ. Sự kết hợp giữa axit salicylic và corticosteroid được coi là phương pháp điều trị đầu tay đối với các mảng vảy nến dày và có vảy.

Khi sử dụng cần lưu ý các tác dụng không mong muốn như có thể gây rụng tóc tạm thời. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ trở lại bình thường sau khi ngừng điều trị. Ngoài ra, các chế phẩm chứa axit salicylic mạnh có thể gây kích ứng tại chỗ nếu tiếp xúc với da quá rộng.

3.2.6 Nhựa than đá

Nhựa than đá đặc biệt có lợi trong trường hợp ngứa nghiêm trọng, có tác dụng làm giảm vảy, ngứa và viêm, không cần kê đơn, có nhiều dạng khác nhau (dầu gội, kem và dầu bôi). Cơ chế hoạt động là chống tăng sinh và chống viêm trên da, đồng thời làm giảm quá trình phân bào và phát triển của tế bào biểu bì cũng như lượng chất nhờn được sản xuất bởi các tuyến chất nhờn. Các sản phẩm trên thị trường có chứa nhựa than đá như triamcinolone (0,1%).

Nhựa than đá cũng có thể gây kích ứng da, lộn xộn, mùi mạnh và làm ố da hoặc quần áo.

3.2.7 Anthralin

Đây là một loại kem được sử dụng để làm chậm sự phát triển của tế bào da, có thể loại bỏ vảy và giúp da mịn màng hơn, không nên sử dụng trên mặt hoặc bộ phận sinh dục. Thuốc thường dùng trong một thời gian ngắn. Anthralin có thể gây kích ứng da và làm ố các vật tiếp xúc.

3.2. Thuốc uống hoặc thuốc tiêm

Để điều trị, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống hoặc tiêm (toàn thân) khi bị bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Do có khả năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, một số loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và có thể được xen kẽ với các phương pháp điều trị khác.

- Kháng sinh: Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh trong trường hợp có nhiễm trùng. Kháng sinh không được chứng minh là có tác dụng trong điều trị bệnh vẩy nến.

- Thuốc kháng histamine: Hydroxyzine và doxepin, mirtazapine đã được sử dụng để hỗ trợ chống ngứa về đêm ở những bệnh nhân vẩy nến.

- Thuốc steroid: Với một vài mảng vảy nến nhỏ và dai dẳng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm triamcinolone ngay vào vùng tổn thương.

- Acitretin (Soriatane): Đây là một loại retinoid uống, được sử dụng để giảm sản xuất tế bào da. Retinoids là một dạng của vitamin A. Acitretin là retinoid uống duy nhất được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến nặng ở người lớn.

Tuy nhiên, acitretin có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, bác sĩ có thể chỉ kê đơn thuốc này trong một thời gian ngắn. Khi bệnh vẩy nến thuyên giảm, cần ngừng dùng thuốc này cho đến khi có một đợt bùng phát khác.

Tác dụng phụ phổ biến thường là da và môi nứt nẻ, rụng tóc, khô miệng, hưng phấn, thay đổi trong tâm trạng và hành vi, trầm cảm, đau đầu, đau khớp, tổn thương gan. Một số trường hợp gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như: Thay đổi thị lực hoặc mất thị lực ban đêm, đau đầu dữ dội, buồn nôn, khó thở, sưng tấy, tức ngực, khó nói, vàng da…

- Methotrexate (Trexall): Được dùng cho những người bị bệnh vẩy nến nặng, những người không hiệu quả với các phương pháp điều trị khác. Thuốc có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào da và ngăn vảy hình thành; thường được sử dụng hàng tuần dưới dạng một liều uống duy nhất, làm giảm sản xuất tế bào da và ngăn chặn tình trạng viêm.

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc như: Mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, rụng tóc, đỏ mắt, đau đầu, mềm nướu, ăn mất ngon, nhiễm trùng, tổn thương gan, bệnh thận.

Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung axit folic (vitamin B) để giúp bảo vệ khỏi một số tác dụng phụ này. Trong một số trường hợp hiếm gặp, methotrexate có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, đe dọa tính mạng: Chảy máu bất thường, vàng da, nước tiểu sẫm màu hoặc có máu trong nước tiểu, ho khan không có đờm, phản ứng dị ứng (khó thở, phát ban).

Những người dùng methotrexate lâu dài cần xét nghiệm liên tục để theo dõi công thức máu và chức năng gan.

- Cyclosporine (Gengraf, Sandimmune, Neoral ): Là một chất ức chế miễn dịch, được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến nặng nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Thuốc hoạt động bằng cách làm dịu hệ thống miễn dịch, ngăn chặn hoặc ngừng phản ứng quá mức trong cơ thể gây ra các triệu chứng của bệnh vẩy nến.

Tác dụng phụ: Rất mạnh và nghiêm trọng như đau đầu, sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, mọc tóc không mong muốn, tiêu chảy, khó thở, nhịp tim chậm hoặc nhanh, mệt mỏi quá mức, tăng huyết áp, các vấn đề về hệ thần kinh… tăng nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác kể cả ung thư. Những người dùng cyclosporin cần được theo dõi liên tục huyết áp và chức năng thận. Không sử dụng liên tục trong hơn một năm.

- Liệu pháp sinh học: Liệu pháp sinh học đường tiêm giúp thay đổi hệ thống miễn dịch theo cách phá vỡ chu kỳ bệnh và cải thiện các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh trong vòng vài tuần. Một số loại thuốc trong số này được chấp thuận để điều trị bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng ở những người không đáp ứng với các liệu pháp đầu tay. Các lựa chọn điều trị như etanercept (enbrel), infliximab (remicade), adalimumab (humira), ustekinumab (stelara), secukinumab (cosentyx) và ixekizumab (taltz).

Lưu ý, cần sử dụng một cách thận trọng vì có nguy cơ ức chế hệ thống miễn dịch theo cách làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng. Đặc biệt, những người thực hiện các phương pháp điều trị này phải được tầm soát bệnh lao.

photo-1639315944748

Liệu pháp sinh học đường tiêm giúp điều trị vẩy nến từ trung bình đến nặng.

- Apremilast (Otezla): Dùng điều trị bệnh vẩy nến và viêm khớp vẩy nến ở người lớn. Apremilast hoạt động trong hệ thống miễn dịch và làm giảm phản ứng của cơ thể đối với chứng viêm.

Một số tác dụng phụ có thể gặp như đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, các triệu chứng cảm lạnh (sổ mũi), đau bụng, trầm cảm, giảm cân, bệnh thận,…

- Các loại thuốc khác: Thioguanine (tabloid) và hydroxyurea (droxia, hydrea) là những loại thuốc có thể được sử dụng khi không hiệu quả với các loại thuốc khác. Apremilast (otezla) được dùng bằng đường uống hai lần một ngày, đặc biệt hiệu quả trong việc giảm ngứa.

3.3. Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng là phương pháp tiếp xúc có kiểm soát với ánh sáng cực tím tự nhiên hoặc nhân tạo như ánh sáng mặt trời, UVB băng thông rộng, UVB dải hẹp, Psoralen cộng với tia cực tím, Laser Excimer. Đây là phương pháp điều trị đầu tiên đối với bệnh vẩy nến từ trung bình đến nặng, đơn độc hoặc kết hợp với thuốc.

photo-1639315946284

Bệnh nhân vẩy nến nên ăn các loại cá béo: cá hồi, cá mòi…

3.4. Liệu pháp bổ sung

Để điều trị vẩy nến, ngoài các liệu pháp trên, có thể dùng các liệu pháp bổ sung. Bao gồm:

- Kem dưỡng ẩm và chất làm mềm: Có thể là liệu pháp bổ trợ có lợi để giảm ngứa và thường không tốn kém; có tác dụng dưỡng ẩm, bôi trơn và làm dịu da khô, bong tróc.

- Kem chiết xuất lô hội: Được chiết xuất từ lá cây lô hội, kem chiết xuất lô hội có thể làm giảm mẩn đỏ, bong vảy, ngứa và viêm; có thể sử dụng kem nhiều lần mỗi ngày trong một tháng hoặc hơn cho đến khi da cải thiện.

- Dầu cá: Có thể bổ sung dầu cá trong quá trình điều trị.

- Nho Oregon (việt quất): Sản phẩm này được bôi ngoài da và có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến.

- Tinh dầu: Tinh dầu được sử dụng để trị liệu bằng hương thơm giúp giảm căng thẳng và lo lắng, góp phần hỗ trợ hệ miễn dịch ổn định. Ngoài ra các tác nhân như tinh dầu bạc hà 1% có thể làm giảm ngứa ở một số bệnh nhân bằng cách kích hoạt các sợi thần kinh truyền cảm giác mát, do đó làm giảm cảm giác ngứa.

- Pramoxine: một loại thuốc gây tê tại chỗ giúp giảm ngứa, đặc biệt là khi thoa lên các vùng da mặt, bằng cách ngăn chặn sự truyền các xung thần kinh.

- Capsaicin: nguồn gốc từ ớt cay và được chứng minh là làm giảm ngứa ở bệnh vẩy nến.

Thường sẽ bắt đầu với các phương pháp truyền thống như kem bôi ngoài da và liệu pháp ánh sáng tia cực tím (quang trị liệu) ở những người có tổn thương da điển hình (mảng). Những người bị bệnh vảy nến mụn mủ hoặc hồng cầu hoặc viêm khớp kèm theo thường cần điều trị toàn thân ngay từ khi bắt đầu điều trị. Mục đích là để tìm ra cách hiệu quả nhất để làm chậm sự thay đổi tế bào với ít tác dụng phụ nhất có thể.

4. Lưu ý khi dùng thuốc

- Những người bị dị ứng corticosteroid hoặc nhiễm trùng da không nên sử dụng corticosteroid. Sử dụng lâu dài hoặc lạm dụng corticosteroid mạnh có thể làm mỏng da. Corticosteroid tại chỗ có thể không còn hiệu quả khi dùng lâu dài. Ngừng đột ngột steroid có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

- Axit salicylic dùng tại chỗ làm bất hoạt calcipotriene. Không sử dụng kem hoặc thuốc mỡ có chứa các loại thuốc này cùng một lúc.

- Không sử dụng sản phẩm chứa nhựa than đá khi bị dị ứng với nhựa than đá, viêm nặng, mụn mủ, chảy máu, rỉ dịch,…

- Với các thuốc điều hòa miễn dịch không được dùng lâu dài vì có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và ung thư hạch.

- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên dùng retinoids.

5. Bệnh vẩy nến có thể dự phòng được không?

photo-1639315947870

Tắm hàng ngày có thể giúp loại bỏ vảy và làm dịu vùng da bị viêm ở bệnh nhân vẩy nến.

Không có cách nào để ngăn ngừa bệnh vẩy nến, nhưng có thể thực hiện các bước để cải thiện các triệu chứng hoặc giúp giảm số lần bùng phát bệnh vẩy nến.

Hãy thử các biện pháp tự chăm sóc để kiểm soát bệnh vẩy nến tốt hơn và cảm thấy tốt nhất :

- Tắm hàng ngày: Giúp loại bỏ vảy và làm dịu vùng da bị viêm. Thêm dầu tắm, bột yến mạch dạng keo và muối Epsom vào nước và ngâm mình trong ít nhất 15 phút. Sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ có thêm dầu và chất béo.

- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Sau khi tắm, lau khô nhẹ nhàng và thoa kem dưỡng ẩm dạng mỡ nặng trong khi da vẫn còn ẩm. Đối với da rất khô, dầu có thể có tác dụng lưu giữ lâu hơn các loại kem hoặc sữa dưỡng. Nếu dưỡng ẩm có vẻ cải thiện làn da của bạn, hãy thoa một đến ba lần mỗi ngày.

- Che các khu vực bị ảnh hưởng qua đêm: Trước khi đi ngủ, thoa kem dưỡng ẩm dạng thuốc mỡ lên vùng da bị ảnh hưởng và che lại. Khi thức dậy, bạn lấy ra và rửa sạch.

- Cho da tiếp xúc với một lượng nhỏ ánh nắng mặt trời.

- Tránh các tác nhân gây bệnh vẩy nến.

- Tránh uống rượu.

- Cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

F0 vừa khỏi bệnh có nên tiêm vaccine ngừa COVID-19?

DS. Bảo Ngân
Ý kiến của bạn