Hiện nay, toàn ngành y tế đang khẩn trương bắt tay thực hiện đề án luân chuyển cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Đối với Hà Giang, một tỉnh còn rất nghèo, đời sống của bà con các dân tộc nơi đây tuy đã cải thiện nhưng so với miền xuôi còn kém nhiều. Vì vậy để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại tuyến cơ sở được tốt hơn thì giải pháp nâng cao năng lực cho cán bộ tuyến dưới được xem như là giải pháp khẩn cấp và cần thiết ngay lúc này.
Sự cần thiết của việc tăng cường bác sĩ về tuyến cơ sở
Mặc dù công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân đã từng bước được cải thiện, song chất lượng khám, chữa bệnh và công tác dự báo kiểm soát dịch bệnh ở tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế do có sự thay đổi mô hình tổ chức bộ máy, thiếu cán bộ có năng lực, trình độ chuyên sâu. Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ lĩnh vực y tế dự phòng, chuyên ngành, bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như khả năng dự báo, giám sát và phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh xảy ra có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời có tác dụng đào tạo cán bộ tại chỗ. Đối với các xã chưa có bác sĩ, việc luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh tại xã theo chế độ lưu trú một số buổi trong tuần là giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Nếu căn cứ vào nhu cầu thực tế, hiện nay ở tỉnh Hà Giang, cơ sở y tế tuyến huyện thiếu cán bộ, năng lực về quản lý và trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Việc luân phiên cán bộ chuyên môn từ tuyến tỉnh hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến huyện có tính khả thi và đem lại hiệu quả cao nhằm giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện đa khoa tỉnh khi trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, dịch vụ y tế tuyến huyện được nâng lên. Theo đề án của Sở Y tế, ngành sẽ cử cán bộ chuyên môn hoặc kíp chuyên môn từ bệnh viện đa khoa tỉnh, lĩnh vực y tế dự phòng, chuyên ngành có khả năng giải quyết hỗ trợ bệnh viện và trung tâm y tế huyện. Thời gian tối thiểu 3 tháng đối với 1 lần luân phiên của 1 cán bộ hoặc 1 kíp luân phiên. Chế độ đối với cán bộ đi luân phiên được giữ nguyên biên chế và được hưởng các chế độ như đang công tác tại đơn vị cử đi. Cán bộ đi luân phiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại nơi luân phiên (có xác nhận của cơ sở nơi cán bộ đến luân phiên), thì được đơn vị ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn, nâng ngạch khi đủ điều kiện và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.
Cùng đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện, y tế dự phòng... của tỉnh cử cán bộ đi luân phiên tạo mọi điều kiện để cán bộ yên tâm làm việc có hiệu quả. Bệnh viện, trung tâm y tế huyện tiếp nhận cán bộ phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi về tinh thần và cơ sở vật chất để cán bộ luân phiên hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, đối với bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện cần xây dựng kế hoạch, đề xuất sát với thực tế để các bệnh viện, lĩnh vực y tế dự phòng, chuyên ngành của tỉnh đáp ứng các yêu cầu để cử cán bộ xuống luân phiên tăng cường và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Với các xã chưa có bác sĩ thì xây dựng kế hoạch giúp thông qua hình thức cử bác sĩ về xã khám, chữa bệnh theo buổi trong tuần.
Giải pháp nào để 65% số xã có bác sĩ?
Khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào dân tộc ở Thái Nguyên. Ảnh: DK |
Để thực hiện nghị quyết của chính quyền tỉnh Hà Giang đề ra đến năm 2010, 65% số xã có bác sĩ, ông Hoàng Ngọc Quyền, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Căn cứ thực tế về nhu cầu khám, chữa bệnh của tỉnh, ngành y tế đã đề ra 2 giải pháp: Trước mắt Sở Y tế đã xây dựng đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến tỉnh về hỗ trợ các đơn vị tuyến huyện nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và công tác y tế dự phòng, đề án của ngành đã trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 8/2008. Sở Y tế tham gia xây dựng chế độ chính sách thu hút, đào tạo cán bộ y tế có trình độ cao và xã hội hóa công tác y tế giai đoạn 2008-2015. Đồng thời, được sự giúp đỡ của Trung ương, Bộ Y tế cũng có đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Giải pháp lâu dài là ngành tiếp tục thực hiện đề án đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học theo địa chỉ tại trường Đại học Y khoa Thái Bình, Đại học Y khoa Thái Nguyên và Đại học Dược Hà Nội đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện nay, số bác sĩ đào tạo theo địa chỉ tại các trường đại học của Hà Giang có 148 người; số bác sĩ đào tạo cử tuyển có 24 người và số bác sĩ đào tạo chuyên tu có 189 người. Với số bác sĩ hiện đang học tập tại các trường này, từ nay đến năm 2010, Hà Giang sẽ có 148 bác sĩ ra trường và về công tác tại tỉnh. Theo đó, đến năm 2010 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu 65% số xã có bác sĩ. Hiện 148 bác sĩ đang đào tạo tại các trường đại học sẽ ra trường vào năm 2010, nhưng một vấn đề đặt ra là khi họ học xong, làm thế nào để thu hút họ về công tác tại tỉnh, trong khi xu hướng các cán bộ y tế xã được cử đi đào tạo bác sĩ không muốn trở về xã công tác hoặc về rồi bỏ đi nơi khác ngày càng nhiều? Đây là câu hỏi đang đặt ra cho ngành y tế Hà Giang cũng như nhiều tỉnh, thành khác.
Theo số liệu thống kê của ngành y tế Hà Giang, hiện toàn tỉnh có 2.538 cán bộ viên chức, trong đó có 360 bác sĩ. Trong đó có 4 bác sĩ chuyên khoa II, 58 bác sĩ chuyên khoa I và 283 bác sĩ đa khoa. Thực hiện phân cấp quản lý cán bộ theo Nghị định 171, 172 của Chính phủ, hiện nay Sở Y tế quản lý 1.595 cán bộ, trong đó có 280 bác sĩ đang công tác (ở tuyến tỉnh 134 bác sĩ, tuyến huyện 138 bác sĩ và tuyến xã, phòng khám đa khoa khu vực 17 bác sĩ). UBND các huyện quản lý 908 cán bộ, trong đó 56 bác sĩ đang công tác tại 11 phòng y tế huyện và 4 bác sĩ đang công tác tại tuyến xã. Tính đến 31/7/2008, nhu cầu bác sĩ do tuyến tỉnh còn thiếu 75 bác sĩ, tuyến huyện thiếu 60 bác sĩ và tuyến xã thiếu 125 bác sĩ. Toàn tỉnh Hà Giang tính trung bình mới chỉ có 4,9 bác sĩ/10.000 dân. Nhìn tổng thể, đội ngũ bác sĩ của Hà Giang chưa đáp ứng được yêu cầu, lại càng hao hụt khi trong năm 2 năm lại đây đã có 5 bác sĩ xin chuyển công tác.
Việt Hưng