Hà Nội

Có thể xuất hiện cơn bão mới đúng dịp nghỉ lễ 2/9

30-08-2019 11:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Tuy cơn bão số 4 đã suy yếu nhưng hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa đặc biệt tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc, khoảng ngày 2-3/9 sẽ xuất hiện áp thấp nhiệt đới sau đó có thể mạnh lên thành bão - Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia Trần Quang Năng lưu ý.

Sáng ngày 30/8, thường trực Ban Chỉ đạo Trung ưng về Phòng chống thiên tai họp về công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 4. Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết: Thiệt hại ban đầu do bão số 4: tại Nghệ An ngày 29/8, giông lốc tại huyện Anh Sơn đã làm 37 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Tại Hà Tĩnh giông lốc xảy ra tại thị xã Kỳ Anh đã làm tốc mái 41 nhà (trong đó: 12 nhà tốc mái hoàn toàn, 02 nhà sập đổ) và 11 cột điện gãy đổ, không có thiệt hại về người. Chiều ngày 29/8 mưa dông trên địa bàn Quận Tây Hồ đã làm 01 người chết do cây đổ.

Các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, Hòa Bình và Sơn La đã lên kế hoạch sẵn sàng sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven sông suối; khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất (trong đó Hà Tĩnh đã di dời được 1.176 hộ/12.695 người, đạt 100% kế hoạch); thông báo cho các khách du lịch trên các đảo, khu vực ven bờ biết diễn biến của bão, huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai với 9.843 người. Nghệ An: 384 người, Hà Tĩnh: 5.240 người; Quảng Trị: 4.219 người).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, sáng 30/8, sau khi đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10; trên đất liền ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (100-250mm).

"Tuy cơn bão số 4 đã suy yếu nhưng hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa đặc biệt tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc, khoảng ngày 2-3/9 sẽ xuất hiện áp thấp nhiệt đới sau đó có thể mạnh lên thành bão" - Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia Trần Quang Năng lưu ý.

Báo cáo công tác ứng phó với bão số 4.

Cảnh giác với hoàn lưu bão gây mưa lớn

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn và còn diễn biến phức tạp, đề nghị các Bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt là tại Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; Tiếp tục cứu hộ, cứu nạn các tàu bị sự cố, đặc biệt cần tập trung thực hiện xác minh, liên hệ với 02 tàu của Bình Định đang bị mất liên lạc; Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ sau bão; đề phòng lũ quét, sạt lở đất và chủ động tiêu nước đệm cho các khu vực có nguy cơ bị ngập úng; Kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu.

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn và còn diễn biến phức tạp, ông Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tiếp tục chủ động ứng phó. Trước sự cố và thiệt hại trên, đề nghị tỉnh Hà Tĩnh tập trung khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão đặc biệt tại thị xã Kỳ Anh. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm tàu cá bị chìm.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội biên phòng có chế tài kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền trước khi ra khơi bởi có nhiều hiện tượng có rất nhiều tàu gặp sự cố hỏng máy trên biển. Điều này sẽ gây khó khăn và nguy hiểm cho người và phương tiện đặc biệt khi gặp sóng to, bão lớn.

Trong những ngày tới (khoảng 2-3/9) rất có thể có hình thái thời tiết nguy hiểm trên biển Đông, khả năng có thể hình thành bão. Do đó, cần có những bản tin dự báo, cảnh báo sớm để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền về thiên tai đồng thời thông tin kịp thời đến ngư dân, tránh tư tưởng chủ quan là bão suy yếu lại tiếp tục ra khơi đánh cá. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về áp thấp nhiệt đới, công tác khắc phục hậu quả tại các địa phương, đặc biệt chú ý tuyến thông tin về lũ quét, sạt lở đất gây ra bởi hoàn lưu sau bão.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện nay chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại về người của ngư dân hoạt động trên các vùng biển. Đối với 2 tàu Bình Định (BĐ 92028 TS/12 ngư dân và BĐ 35308 TS/2 ngư dân) đang bị mất liên lạc. Hiện Bộ đội Biên phòng Quảng Bình và Bình Định đang phối hợp với gia đình chủ tàu tìm kiếm thông tin liên lạc.

Đối với tàu cá Bình Định BĐ 94204 TS/2 ngư dân bị chết máy, thả trôi, thuyền trưởng đã đề nghị hỗ trợ, Bộ đội Biên phòng Bình Định phối hợp biên phòng Thừa Thiên Huế thông báo cho các phương tiện hoạt động xung quanh khu vực để hỗ trợ. Hiện đang được một tàu chưa rõ biển kiểm soát lại dắt. Dự kiến trưa 30/8 sẽ vào đến Đà Nẵng.

Đối với tàu vận tải Thái Thụy 88 chở than từ Quảng Ninh đi CầnThơ bị hỏng máy giáp gianh địa bàn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trên tàu có 10 thuyền viên. Hiện các lực lượng chức năng đang tích cực phối hợp hỗ trợ khắc phục sự cố tàu trên,10 thuyền viên trên tàu đang ở trên phao cứu sinh hiện chưa xác định được vị trí.

Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết: hiện có 04 hồ đang vận hành xả tràn là Yên Lập (Quảng Ninh): 51m3/s; Vực Mấu (Nghệ An): 33m3/s; Ia Mơr (Gia Lai): 10m3/s; Ea Soup thượng (Đắk Lắk): 30m3/s. Có 175 hồ hư hỏng và 80 hồ đang thi công có nguy cơ xảy ra mất an toàn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn khi có lũ.

L.Nguyên
Ý kiến của bạn