1. Mối nguy khi mắc tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nguyên nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Biểu hiện chính của tay chân miệng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng là lành tính và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng chủ yếu là do virus EV71 gây ra, trong đó tử vong phổ biến nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 75% – 86% trong tổng số các trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng ở trẻ em).
Bệnh thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, một số ít ở người trưởng thành. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng bùng phát cao điểm là khoảng tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12.
Hiện nay bệnh có xu hướng bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam nước ta.
2. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng
Độ 1: Chỉ loét miệng hoặc/và tổn thương da.
Độ 2: Độ 2a có một trong các dấu hiệu bệnh sử có giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám. Sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 39 độ C, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ;
Độ 2b, độ 3, độ 4 cần được bác sĩ khám và đánh giá.
Các giai đoạn bệnh tay chân miệng:
- Giai đoạn ủ bệnh: Virus xâm nhập vào cơ thể trẻ và có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: 1 - 2 ngày, ở giai đoạn này trẻ có triệu chứng sốt (có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39-40 độ C), mệt mỏi, đau họng, lười ăn, tiêu chảy.
- Giai đoạn toàn phát:
Loét miệng với các bóng nước có đường kính 2 - 3mm (ở niêm mạc má, lợi, lưỡi) vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét khiến trẻ bị tăng tiết nước bọt và thấy đau khi ăn, vì thế trẻ sẽ biếng ăn, quấy khóc.
Ở da: xuất hiện các bóng nước từ 2 - 10mm, màu xám, hình bầu dục ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, có thể lồi lên trên da, sờ có cảm giác cộm hay ẩn dưới da, thường ấn không đau. Bóng nước vùng mông và gối thường xuất hiện trên nền hồng ban. Dấu hiệu toàn thân khi virus xâm nhập thần kinh trung ương sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ; li bì, mê sảng, co giật...
- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
3. Lựa chọn thuốc điều trị
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trị tay chân miệng, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Đồng thời bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.
3.1. Điều trị không dùng thuốc
Có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng),
Về dinh dưỡng:
- Trẻ nhũ nhi còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
- Với trẻ lớn hơn cần cho uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu.
- Biếng ăn, chán ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ khi mắc các bệnh tay chân miệng do các vết loét trong miệng gây đau đớn và khó chịu cho trẻ. Vì thế, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ những thức ăn mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa để trẻ có thể ăn được nhiều hơn. Nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày và chú trọng đến thành phần dinh dưỡng trong các món ăn để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ.
- Tránh cho trẻ ngậm vú nhựa quá cứng, ăn bằng các dụng cụ có cạnh sắc bén.
- Hạn chế thức ăn quá nóng, hoặc chua cay vì có thể khiến trẻ càng đau miệng và họng hơn.
- Bổ sung thêm lượng nước thích hợp, vì trẻ có nguy cơ mất nước do sốt và biếng ăn.
- Tuyệt đối không nên kiêng cữ quá mức, nên cho trẻ ăn lại bình thường ngay khi trẻ có dấu hiệu giảm bệnh.
Cách ly và giữ vệ sinh thân thể:
- Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà.
- Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh nên đeo khẩu trang cho mình và cả trẻ, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.
- Quần áo, tã lót của trẻ bị bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B hoặc luộc nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng và nước sạch.
- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly/cốc uống nước, chén/bát ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
- Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.
Theo dõi sát tình trạng bệnh:
Trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày nên đưa trẻ đi tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virus có thể còn tồn tại trong phân vài tháng sau.
3.2. Điều trị dùng thuốc
Tuyệt đối không được tùy tiện cho trẻ dùng các loại thuốc nếu chưa có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Một sai lầm rất hay thường gặp đối với các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ. Trong khi nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là virus, và thuốc kháng sinh không có tác dụng trên virus.
Ngược lại, việc dùng kháng sinh tùy tiện có thể gây hại sức khỏe, khiến cho bệnh nặng hơn, tạo ra hiện tượng kháng thuốc trong cộng đồng, dẫn đến rất khó khăn cho việc điều trị bệnh nói chung. Chỉ dùng kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc.
Có thể dùng các thuốc trị triệu chứng như:
-Thuốc hạ sốt: Nếu sốt cao trên 38,5 độ C, có thể dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau.
- Bù nước và điện giải: Cần bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao, liên tục. Có thể dùng dung dịch oresol hoặc hydrite. Tuy nhiên, cần pha và sử dụng đúng theo hướng dẫn.
- Dung dịch sát khuẩn: Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.
- Thuốc bôi ngoài da: Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm như xanhmethylen hoặc kem chứa ion bạc.
- Điều trị loét miệng, loét họng:
Lau sạch miệng trước và sau ăn bằng dung dịch glycerin borat. Các loại gel bôi miệng có tác dụng sát khuẩn và giảm đau, giải quyết tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
Có thể dùng kem miconazol có hoạt tính kháng nấm đối với các vi nấm ngoài da thông thường và vi nấm men. Bên cạnh đó thuốc còn có hoạt tính kháng khuẩn đối với một số trực khuẩn và cầu khuẩn khác. Do cấu trúc của thuốc này là dạng gel đặc nên có thể gây nghẹt thở cho trẻ, đặc biệt trong độ tuổi từ 4 tháng đến 2 tuổi.
Để hạn chế nguy cơ dẫn đến tình trạng này, cha mẹ cần lưu ý khi là không bôi gel thuốc vào sâu trong cổ họng của bé. Quan sát cẩn thận để xem bé có dấu hiệu bị nghẹn hay không và không bôi gel vào núm vú của mẹ để trị nấm trong trường hợp mẹ vẫn đang thời gian cho con bú.
4. Khi nào cần đưa trẻ đi bệnh viện?
Phụ huynh lưu ý khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau, phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay:
- Sốt cao ≥ 39 độ.
- Thở nhanh, khó thở.
- Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
- Đi loạng choạng.
- Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
- Co giật, hôn mê.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ung thư vú phát hiện điều trị sớm, 99% bệnh nhân sống trên 5 năm