Hà Nội

Có thể tổ chức nhiều đợt thi tốt nghiệp THPT trong năm

18-10-2013 15:14 | Thời sự
google news

Theo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” sẽ chấm dứt thi ĐH,CĐ và lấy kết quả tốt nghiệp THPT để xét thẳng vào ĐH,CĐ.

Theo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” sẽ chấm dứt thi ĐH,CĐ và lấy kết quả tốt nghiệp THPT để xét thẳng vào ĐH,CĐ. Để nâng cao chất lượng đầu vào đại học, chuyên gia giáo dục đã hiến kế đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Theo đề xuất hướng đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho giai đoạn tới mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra. Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học tập (chủ yếu ở cấp THPT) và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh).

Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục THPT theo hướng tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp và chuẩn bị tốt cho học sinh học tiếp sau giáo dục phổ thông bằng cách có ít môn học bắt buộc, có nhiều môn học hoặc chủ đề để học sinh tự chọn. Đồng thời triển khai phong phú các hình thức kiểm tra, thi và đánh giá trong quá trình dạy học, việc công nhận tốt nghiệp THPT, phải dựa trên kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong môn/lĩnh vực học tập nào thì đánh giá kết quả học đạt chuẩn đầu ra môn/lĩnh vực đó. Kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực/môn học để giải quyết một vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội- nhân văn và khoa học tự nhiên hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn.

Là người gắn bó với giáo dục vài chục năm, PGS.TS. Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã có ý kiến đổi mới phương thức thi tốt nghiệp để nâng cao chất lượng đầu vào đại học.

Có thể tổ chức nhiều đợt thi tốt nghiệp THPT trong năm 1
Thí sinh dự thi tốt nghiệp 2013 xem lại bài.

PGS Lê Trọng Thắng cho biết: “Chúng ta đang nói nhiều đến tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử. Vậy chúng ta có thể có một cách tiếp cận khác khi cho rằng, bệnh thành tích chúng ta vẫn nói lại phát sinh chính từ cơ chế cũng như điều kiện và hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay hay không. Hãy thử hình dung tình huống tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm có thể chỉ đạt 60-70% thì điều gì sẽ xảy ra: Chất lượng thí sinh tốt nghiệp tất nhiên sẽ tốt hơn. Số thí sinh chưa tốt nghiệp có quyền được học lại để thi tốt nghiệp vào năm sau. Số lượng này sẽ tích lũy ngày một nhiều hơn sau nhiều năm. Những học sinh này sẽ học ở đâu khi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện giảng dạy khác không cho phép. Việc đi học các cấp học dưới đại học và cao đẳng lại đòi hỏi phải tốt nghiệp THPT. Chính bài toán chưa có lời giải này đã dẫn đến tình trạng thi cử hiện nay và không có lối thoát cho nhiều vấn đề. Từ cách nhìn nhận này chúng ta có thể thấy rằng, vấn đề cần tháo gỡ là cách thức tổ chức kỳ thi thế nào cũng như cần có sự thay đổi đồng bộ trong chính sách tuyển sinh các bậc đào tạo cho phù hợp.

Tôi nêu ra 3 quan điểm cần có sự thay đổi:

- Thứ nhất là chấp nhận sự không đồng đều về chất lượng tốt nghiệp THPT theo địa phương hay theo vùng.

- Thứ hai là có thể tổ chức thi tốt nghiệp nhiều đợt trong năm.

- Thứ ba là cần có sự thay đổi yêu cầu tuyển sinh phải có bằng tốt nghiệp THPT đối với một số bậc đào tạo.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đánh giá chất lượng học của học sinh theo mức chuẩn quy định. Tuy nhiên, mức chuẩn này chung cho các địa phương hay vùng miền có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và những điều kiện khác rất chênh lệch nhau là không phù hợp. Việc đánh giá chất lượng của học sinh học tập tại các thành phố lớn và học sinh học tại các vùng núi xa xôi và khó khăn theo cùng một thang bậc thống nhất là thiếu sự bình đẳng. Bởi vậy cần phải chấp nhận sự khác biệt về chất lượng tốt nghiệp THPT. Tất nhiên, từng vùng miền phải không ngừng nâng cao mức chất lượng tốt nghiệp THPT để dần tiến tới thống nhất trong cả nước. Vấn đề này không thể giải quyết được trong ngày một, ngày hai mà tùy thuộc mức độ phát triển kinh tế, văn hóa của từng địa phương, từng khu vực.

Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt trong năm nhằm tạo điều kiện cho những học sinh chưa đủ điều kiện tốt nghiệp đợt đầu sau khi được bồi dưỡng kiến thức, tiếp tục thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Điều này sẽ không gây sức ép lên cái gọi là “bệnh thành tích trong thi cử” hiện nay, có lối thoát cho học sinh tiếp tục phấn đấu để vươn lên.

Sự thay đổi một số chính sách trong công tác tuyển sinh đối với một số bậc đào tạo cũng là một giải pháp phân luồng tích cực. Việc bỏ yêu cầu phải tốt nghiệp THPT đối với một số bậc đào tạo sẽ là lối thoát cho những học sinh không đạt yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn có thể học tập đi lên bằng con đường khác. Sau khi tốt nghiệp các bậc học này, ngoài các yêu cầu về nghề nghiệp, các em có thể đạt được trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT và có thể phấn đấu học tập lên cao hơn theo hình thức đào tạo liên thông hoặc các hình thức đào tạo khác.Từ những phân tích trên đây, có thể đi đến một số kiến nghị cụ thể sau:

1. Thực hiện việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo đơn vị tỉnh hay theo khu vực có điều kiện giảng dạy, học tập cũng như điều kiện kinh tế văn hóa xã hội tương đồng nhau và do các cơ quan quản lý Giáo dục đào tạo địa phương chịu trách nhiệm.Bộ Giáo dục và Đào tạo có chế độ thanh tra giám sát chặt chẽ và có chế tài xử lý đối với các hội đồng thi khi vi phạm các quy định.

2. Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT có thể thực hiện nhiều lần trong năm, số lần tổ chức tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng đơn vị địa phương.

3. Các địa phương cần có kế hoạch tổ chức và quản lý để các trường THPT mở các lớp học bồi dưỡng buổi tối, hoặc trong hè cho học sinh chưa đỗ tốt nghiệp, có nhu cầu củng cố và nâng cao trình độ để dự thi tốt nghiệp các đợt tiếp theo.

4. Những học sinh không tốt nghiệp THPT được cấp Giấy chứng nhận học xong chương trình phổ thông trung học và có thể sử dụng giấy chứng nhận này để đăng ký vào học một số bậc đào tạo. Những Chương trình đào tạo này bảo đảm sau khi học viên tốt nghiệp có kiến thức văn hóa tốt nghiệp THPT. Điều này sẽ mở hướng học tập lên cao cho những học sinh có ý chí và quyết tâm phấn đấu.

PGS Lê Trọng Thắng cho biết, những vấn đề nêu trên đây mới chỉ là những ý tưởng. Để có được một giải pháp toàn diện về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cần xây dựng một đề án tổng thể và giải quyết những vấn đề có tính kỹ thuật có thể phát sinh.
 
Theo Dân trí

Ý kiến của bạn