Cơ thể sẽ “phản ứng” ra sao khi trời quá nóng?

01-07-2015 14:17 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong những ngày thời tiết nóng nực oi bức, cơ thể chúng ta rất dễ bị mất nước hoặc khiến nhiệt độ cơ thể cũng tăng cao.

Khi trời quá nóng cơ thể sẽ bị một loạt những bất ổn như: chuột rút, mệt mỏi, say nắng... Nếu bạn đã có sẵn những chứng bệnh mãn tính thì tình trạng bệnh càng “bát nháo” hơn trong những ngày nóng bức. Vì vậy, cần phải biết... nóng, biết ta để tránh bớt lụy phiền.

Điều gì xảy ra cho cơ thể khi thời tiết quá nóng?

Cần lưu ý là nhiệt độ của cơ thể nằm trong khoảng 36,1 - 37,80C. Nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn con số này thì dẫn đến hiện tượng say nóng (heatstroke) vốn có nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời.

Khi thời tiết quá nóng, cơ thể chúng ta sẽ hoạt động nhiều hơn đồng thời sẽ tạo ra nhiều mồ hôi để giúp cơ thể được “nguội” hơn. Tuy nhiên, trong một số điều kiện, sự tiết mồ hôi xảy ra bị hạn chế khiến cho nhiệt độ cơ thể càng tăng nhanh. Điều này thường xảy ra khi khí hậu nóng ẩm hoặc khi cơ thể bị mất quá nhiều nước nên không còn “vốn” để tiết ra mồ hôi. Sự tiết mồ hôi bị hạn chế thường gặp ở nhóm người cao tuổi hoặc những người đang phải sử dụng thường xuyên một số loại dược phẩm. Riêng trẻ em thì sự sản xuất mồ hôi rất hạn chế và nhiệt độ cơ thể sẽ tăng một cách rất nhanh chóng.

 

Nếu phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài thì những người đang mang sẵn những căn bệnh khó trị thì bệnh tình càng trở nên tồi tệ hơn ví dụ như nắng nóng có thể “kích động” cho một sự nhồi máu cơ tim hoặc có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn, chẳng hạn như: tổn thương não hoặc là tổn thương những cơ quan, bộ phận quan trọng trong cơ thể. Khi một cơ thể bị say nóng, nếu không được cứu chữa đúng và kịp thời thì xác suất tử vong rất cao. Để bảo vệ sức khỏe, cần phải uống nhiều nước, tránh uống rượu bia và nước uống có gas vì những loại thức uống này càng làm cho cơ thể bị mất nước, dấu hiệu cơ thể bị mất nước dể nhận biết nhất là nước tiểu có màu sậm.

DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Australia)

Mời xem tiếp bài 2 Ai dễ bị nắng nóng “tấn công”? vào 2/7/2015

 

 


Ý kiến của bạn