Có thể sẽ nới thời gian bổ sung thông tin thuê bao di động

23-04-2018 10:53 | Pháp luật
google news

SKĐS - Theo nghị định 49/2017/NĐ-CP tại Điểm đ, Khoản 5, Điều 1 bắt buộc chủ thuê bao trả trước phải chụp ảnh chân dung.

Từ ngày 24/4/2018 là hạn cuối cùng phải bổ sung thông tin. Tuy nhiên, những ngày qua các địa điểm giao dịch lượng khách hàng tăng đột biến, khiến các nhà mạng không đáp ứng kịp. Nhiều thuê bao lo lắng sẽ bị cắt liên lạc. PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) để làm rõ hơn vấn đề này.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ.

Phóng viên (PV): Tính đến ngày 15/3/2018, còn 34 triệu thuê bao di động bị các doanh nghiệp (DN) xác định là thông tin chưa đầy đủ, chính xác, theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT). Vậy nếu sau 24/4 những thuê bao chưa hoàn thành việc đăng ký chụp ảnh chân dung thì có bị cắt liên lạc hay không?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Ngày 24/4/2018 là mốc thời điểm Nghị định 49/2017/NĐ-CP yêu cầu DN viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định có liên quan của pháp luật. Việc thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao di động có thông tin chưa đầy đủ, chính xác được thực hiện theo quy định tại Điểm e Khoản 8 Điều 1 Nghị định 49, theo đó:

Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.

Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.

Do vậy, việc triển khai rà soát CSDL, phát hiện các thuê bao còn thiếu thông tin hoặc có thông tin không chính xác từ đó đề nghị khách hàng cập nhật lại thông tin trước khi triển khai việc tạm dừng dịch vụ một chiều rồi hai chiều, tiến đến chấm dứt (khóa) với các thuê bao không thực hiện đúng các quy định là trách nhiệm của các DN viễn thông cũng như ý thức của chính người sử dụng dịch vụ.

Sắp đến hạn cuối bổ sung thông tin, các điểm giao dịch, lượng khách hàng tăng đột biến.

Sắp đến hạn cuối bổ sung thông tin, các điểm giao dịch, lượng khách hàng tăng đột biến.

PV: Nhiều thuê bao lo ngại sau ngày 24/4, thiếu ảnh chân dung, thuê bao di động sẽ bị “khóa” tuy nhiên hiện nay tại các điểm giao dịch lượng người dân quá tải. Bộ TT&TT đã có chỉ đạo gì để khắc phục tình trạng trên?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Trong thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức làm việc, yêu cầu các DNVT di động xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết các phương án để người sử dụng có thể cập nhật lại thông tin. Các DN đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp như: triển khai nhiều điểm lưu động, cử nhân viên trực tiếp đến gặp khách hàng; các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông làm thêm giờ để phục vụ khách hàng đến đăng ký, cập nhật lại thông tin,... DN viễn thông sẽ phải đầu tư về cơ sở vật chất. Ngoài việc thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố định như truyền thống thì DN có quyền thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ lưu động để phục vụ tốt và nhanh hơn cho người dân. DN có thể triển khai các điểm lưu động tại các khu dân cư đông người, tòa nhà chung cư, UBND xã phường, trường học, bệnh viện,... Với tình trạng quá tải như hiện nay, Cục Viễn thông sẽ xin ý kiến đề xuất việc kéo dài thời gian thực hiện việc bổ sung ảnh chân dung, để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 49/NĐ-CP.

PV: Vấn đề đang được các thuê bao quan tâm đó là tính bảo mật của các thông tin này ra sao khi mà các vấn nạn lừa đảo, spam quảng cáo, quấy rối qua điện thoại di động vẫn xảy ra liên tục, Bộ TT&TT chỉ đạo việc này  như thế nào?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các quy định nghiêm cấm hành vi mua bán thông tin cá nhân trên mạng như Luật Viễn thông (Điều 6), Luật An toàn thông tin mạng (Điều 7), Nghị định 174/2013/NĐ-CP (Khoản 4, Khoản 5, Điều 66), Chỉ thị số 11/CT-BTTTT ngày 18/3/2016 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM sai quy định. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Bộ TT&TT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các DNVT hoàn thiện các quy trình, tăng cường bảo mật thông tin trong CSDL của các DN.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh/thành phố có liên quan triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý các sai phạm (nếu có) để xử lý theo quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!


PV (Thực hiện)
Ý kiến của bạn