Dưới góc độ thực hành lâm sàng bệnh viện và thực tế ngoài thực địa, chúng ta chỉ nên dừng lại ở mức độ: nhận biết nhanh rối loạn bệnh lý là gì, áp dụng biện pháp cấp cứu nào, áp dụng biện pháp hạ nhiệt nào, điều trị thuốc ra sao, bệnh nhân khỏi được không? Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, điều làm cho các nhà y học lao động, sinh lý lao động, bệnh học nghề nghiệp đau đầu, đó là, tại sao nạn nhân lại có thể tử vong do nắng nóng? Tại sao khi thân nhiệt cao lại làm rối loạn chức năng thần kinh trung ương nghiêm trọng đến vậy? Tại sao nạn nhân bị hôn mê và tình trạng ngày càng xấu đi? Tại sao một số ít các nạn nhân may mắn sống sót lại bị di chứng sau đó? Hiểu rõ được cơ chế đích xác ở bên trong sẽ giúp ích vô cùng lớn trong quá trình điều trị, theo dõi và tiên lượng bệnh nhân. Câu trả lời nằm ở cụm từ: chết từ tế bào.
Trước khi tìm hiểu cơ chế chết từ tế bào, chúng ta cùng xem lại các cơ chế khả dĩ hiện nay giải thích cho vấn đề nắng nóng.
Các cơ chế rối loạn do nắng nóng
Cơ chế thứ nhất lý giải cho các rối loạn do nắng gây ra, đó là cơ chế rối loạn huyết động. Rối loạn huyết động là các rối loạn xảy ra trong nội tại hệ tuần hoàn dẫn tới thiếu hụt lượng máu lưu thông đi nuôi các cơ quan quan trọng. Lý do gây ra rối loạn huyết động là toát mồ hôi quá nhiều làm giảm thể tích máu lưu thông, sự thải nhiệt mất kiểm soát dẫn tới giãn mạch ngoài da quá mức làm thiếu hụt lượng máu trung tâm. Phối hợp hai dạng thức này gây ra rối loạn huyết động.
Rối loạn huyết động là cơ chế dùng để lý giải phù hợp các triệu chứng như: da đỏ lừ, huyết áp tụt kẹt, người bệnh ngất hoặc bất tỉnh. Nhưng nó lại không thể lý giải được vì sao trong những phút đầu tiên, người ta đã dùng thuốc khôi phục tuần hoàn như adrenalin làm trung tâm hóa tuần hoàn, truyền dịch tốc độ cao nhằm nâng huyết áp, nạn nhân tử vong vẫn tử vong. Khi đó con số huyết áp trung tâm đã nâng lên đến mức giới hạn an toàn. Vậy cơ chế rối loạn huyết động không phải là cơ chế chính gây ra tử vong.
Cơ chế thứ hai là sự ức chế trung tâm hô hấp và tuần hoàn. Ở một trạng thái nhất định, trung tâm hô hấp và tuần hoàn bị ức chế hoạt động. Điều này dễ dàng lý giải tại sao khi đột quỵ do nóng nhịp thở lại nhanh nông, nhịp tim lại nhanh nhỏ khó bắt. Sau đó là trạng thái ngừng tim, ngừng thở do trung tâm hô hấp và tuần hoàn bất hoạt. Song cơ chế này lại không thể lý giải được tại sao sau khi trung tâm hô hấp và tuần hoàn tái hoạt động nhờ sự can thiệp bằng các biện pháp y học, thì nạn nhân lại xuất hiện các biến chứng khác nhau. Người thì bại liệt, méo miệng, nói ngọng, người thì giảm khả năng trí tuệ. Rõ ràng, giữa các chức năng cao cấp của thần kinh trung ương và trung tâm hô hấp tuần hoàn ít có liên hệ với nhau.
Vậy là, người ta phải cất công tiếp tục tìm kiếm và nghiên cứu. Sau đó, người ta nhận thấy có một điểm chung ở tất cả các bệnh nhân bị tăng thân nhiệt mức độ nặng (đột quỵ do nắng nóng), đó là, đồng loạt các cơ quan đều bị rối loạn chức năng nghiêm trọng, khiến cho cơ thể không thể qua khỏi (và dẫn tới chết) hoặc nếu qua khỏi thì một số nạn nhân bị biến chứng vĩnh viễn (do tổn thương không thể phục hồi). Người ta đã nghĩ tới một giải thiết khác, đó là cơ chế: chết từ tế bào.
BS. PHÚC HƯNG (Học viện Quân y)