Hà Nội

Có thể phòng tránh tật khúc xạ học đường?

05-09-2018 13:25 | Đời sống
google news

SKĐS - Hiện tỷ lệ tật khúc xạ đang tăng cao, đặc biệt ở trẻ em trong lứa tuổi đến trường. Tật khúc xạ học đường chủ yếu tập trung ở các đô thị, nhất là khu vực nội đô của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… với trên 40% học sinh phổ thông mắc các tật khúc xạ.

Thế nào là tật khúc xạ?

Có hai nhóm nguyên nhân làm cho mắt không nhìn rõ được vật. Thứ nhất là những bệnh lý thực thể như đục thủy tinh thể, chấn thương, Glôcôm, bệnh lý đáy mắt… Thứ hai là do những rối loạn về quang học ở mắt gọi là tật khúc xạ (TKX).

Về phương diện quang học, một con mắt bình thường khi nhìn một vật thì ảnh của vật đó sẽ rơi đúng trên võng mạc cho ta thấy hình ảnh rõ ràng, sắc nét, đúng màu sắc. Người ta gọi đó là mắt chính thị. Nếu vì một lý do nào đó mà ảnh của vật không rơi vào võng mạc người ta gọi đó là TKX.

Có 3 loại TKX tương ứng với vị trí hội tụ của ảnh so với võng mạc: Cận thị, viễn thị và loạn thị. Nếu hội tụ trước võng mạc gọi là cận thị, nếu ở phía sau gọi là viễn thị, nếu hình ảnh của vật không phải là một điểm mà là một đoạn thẳng có thể ở trước, ở sau hoặc nửa trước, nửa sau gọi là loạn thị.

Có thể phòng tránh tật khúc xạ học đường?Hơn 80% trẻ tuổi học đường bị cận thị.

TKX thường xuất hiện ở lứa tuổi đi học, nhất là từ 10 – 15 tuổi, trong đó cận thị chiếm khoảng hơn 80%, vì vậy người ta hay dùng từ “cận thị học đường” để chỉ tình trạng này. Ngoài ra, cũng có một số ít trường hợp bị TKX bẩm sinh ở tuổi rất nhỏ, hoặc xuất hiện ở tuổi trưởng thành, sau những thay đổi lớn về sức khỏe như thai sản, chấn thương, bệnh lý nội khoa… Tật khúc xạ thường có xu hướng phát triển tăng dần cho đến khoảng 18 - 20 tuổi thì dừng lại. TKX xuất hiện càng sớm thì mức độ càng nặng và sự tăng độ càng nhiều.

Kết quả nghiên cứu tình hình suy giảm thị lực và tật khúc xạ ở học sinh Bà Rịa - Vũng Tàu (RESC) cho thấy: Tỷ lệ tật khúc xạ ở học sinh THCS là 21,4% (20,4% cận thị; 0,4% viễn thị; 0,7% loạn thị); có 1,4% học sinh bị nhược thị; 69,3% học sinh bị TKX chưa được đeo kính hoặc kính sai độ. Cận thị có liên quan với cấp học và gia tăng tỷ lệ thuận với các hoạt động trong nhà như tăng giờ học, tăng thời gian sử dụng máy tính, trong khi giành thời gian ngoài trời nhiều hơn có thể hạ thấp tỷ lệ cận thị…

Nếu bị TKX không được điều chỉnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng thị giác, sức khỏe và thẩm mỹ.

Nguyên nhân và biểu hiện

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây TKX là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền, yếu tố gia đình và giống người. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình học tập, làm việc và các thói quen sử dụng mắt không hợp lý như: Không có sự phân phối hợp lý giữa nhìn gần và nhìn xa, thời gian nhìn gần quá nhiều khiến mắt phải điều tiết liên tục như đọc sách, chơi điện tử, điện thoại, Ipad, xem ti vi, sử dụng vi tính không hợp lý, tư thế ngồi sai (cúi quá gần, điều kiện ánh sáng thiếu, kích thước bàn ghế không phù hợp…).

Biểu hiện chủ yếu của tật khúc xạ là nhìn mờ. Cận thị thì giảm thị lực khi nhìn xa, viễn thị và loạn thị thì cả nhìn xa và gần đều mờ. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, viết chữ không thẳng hàng, kết quả học tập giảm sút...

Nếu bị TKX không được điều chỉnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng thị giác, sức khỏe và thẩm mỹ. Đặc biệt các trường hợp viễn thị, loạn thị nặng, cận thị lệch có thể dẫn đến mắt lé, nhược thị, đục thủy tinh thể, bong võng mạc và mù lòa.

Các phương pháp điều chỉnh

Khi đã bị TKX thì bắt buộc phải điều chỉnh để ảnh của vật rơi đúng vào võng mạc, làm cho mắt nhìn rõ, trở lại trạng thái thoải mái, hạn chế bớt nguy cơ tăng độ và ngăn ngừa những biến chứng của mắt.

Có 4 cách được sử dụng để điều chỉnh tật khúc xạ.

Sử dụng kính đeo

Để điều chỉnh TKX, thông thường là sử dụng kính đeo, ưu điểm là tiện lợi, rẻ tiền, dễ thay đổi, nhưng nhược điểm dễ hỏng, dễ mất, nhất là các loại kính chất lượng kém. Nên khám tại các cơ sở có uy tín, đảm bảo đúng độ và sản phẩm chất lượng. Nên đeo kính thường xuyên và kiểm tra độ kính 6 tháng một lần.

Mang kính tiếp xúc

Loại kính này phù hợp cho lứa tuổi thanh niên và người lớn. Ưu điểm là gọn, nhỏ, người ngoài nhìn vào sẽ không thể nhận biết được. Nhược điểm là chỉ thuận lợi cho người cận đơn thuần, người viễn và loạn thì phức tạp hơn; Phải tháo lắp, ngâm rửa hàng ngày, đúng kỹ thuật, nếu không khéo léo có thể gây trầy xước giác mạc, nhiễm trùng. Một số người bị dị ứng với kính thì không dùng được.

Phẫu thuật bằng laser

Phẫu thuật laser điều chỉnh TKX được thực hiện khá nhanh chóng và an toàn, cho hình ảnh như sinh lý bình thường, kết quả lâu dài hoặc vĩnh viễn. Nhược điểm là rất đắt tiền, chỉ thực hiện được tại các cơ sở nhãn khoa lớn. Bệnh nhân phải trên 18 tuổi mới thực hiện được.

Phương pháp chỉnh hình giác mạc ban đêm bằng kính Ortho -K

Đây là một phương pháp mới đang được ứng dụng rất hiệu quả. Kính Ortho - K là loại kính tiếp xúc thấm khí cứng đặc biệt, có khả năng điều chỉnh cận thị lên đến 8 độ và loạn thị lên đến 3 độ, áp dụng cho người lớn và trẻ em từ 8 tuổi trở lên. Trước khi đi ngủ, bệnh nhân sẽ tự đặt kính Ortho – K vào mắt như đặt kính tiếp xúc, sáng hôm sau thức dậy gỡ kính ra sẽ có thị lực như mắt bình thường và duy trì được suốt ngày, quy trình được lặp lại hàng đêm. Ưu điểm của phương pháp này là không phải mang kính ban ngày và ngăn ngừa sự tăng độ. Ngoài việc chi phí khá cao thì hầu như không có trở ngại lớn nào cho người sử dụng.

Có thể phòng tránh tật khúc xạ học đường?Khám mắt phát hiện tật khúc xạ lứa tuổi học đường.

Phòng tránh TKX và chăm sóc mắt

Để phòng tránh TKX, cần lưu ý:

Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng 300 – 500 lux, ánh sáng chiếu từ phía trước hoặc đối diện tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần cửa sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm, khi quỳ.

Tư thế ngồi học thẳng lưng, hai chân khép để trên nền nhà, đầu cúi 10 – 15 độ. Không cúi sát tập sách khi đọc và viết, chiều cao bàn ghế phù hợp với cấp học, khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp THCS và 35cm với học sinh THPT.

Phải có chế độ học tập trong nhà và vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và xa. Khi học, xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, phải nghỉ giải lao 10 – 15 phút.

Cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ từ 8 – 10 tiếng một ngày, dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây, sữa tươi… đảm bảo đủ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng một lần hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh TKX. Khi đã bị TKX phải đeo kính thường xuyên.

 


BSCKII. Nguyễn Viết Giáp
Ý kiến của bạn