Theo ông Phúc, nhằm bảo vệ quyền con người, bảo đảm quyền được an sinh xã hội của công dân và để có công cụ đủ sức răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, Quốc hội khóa 13 đã thông qua việc bổ sung các tội danh vi phạm pháp luật BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, người thực hiện các hành vi gian lận về BHYT và trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự.
Cụ thể, đối với tội gian lận BHYT, các hành vi vi phạm như: Chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên từ các hành vi giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định…
Hình phạt chính (căn cứ theo mức độ phạm tội) là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng; Phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; Phạt tù từ 3 tháng đến 10 năm; Hình phạt bổ sung, phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm…
Trốn đóng bảo hiểm cho người lao động có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động, các hành vi vi phạm như gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên cho người lao động (đã bị xử phạt vi phạm hành chính) trong các trường hợp: Trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện cho người lao động từ 50 triệu đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người lao động trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động từ 50 triệu đồng trở lên hoặc từ 10 người lao động trở lên.
Hình phạt chính (căn cứ theo mức độ phạm tội): Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; Phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm; Phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm; Pháp nhân thương mại (doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh tế khác) bị phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng. Hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Ông Phúc cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, cùng với việc tăng cường giám sát việc cung cấp dịch vụ y tế tại cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện đúng quy định, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà người bệnh gặp phải; thời gian tới, sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng là thúc đẩy để người chưa có BHYT tham gia BHYT, tránh được rủi ro khi ốm đau, bệnh tật, tránh được “bẫy nghèo”. Đồng thời, Quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí điều trị thuốc kháng virut HIV từ năm 2019. Theo đó, người có thẻ BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí thuốc kháng virut HIV. Hiện mới có hơn 60% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, việc người có H tham gia BHYT sẽ giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh, sử dụng thuốc kháng virut, nâng cao sức khoẻ.