Hà Nội

Có thể phát hiện sớm ung thư buồng trứng hay không?

05-06-2018 10:19 |
google news

SKĐS - Chỉ có khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. 94% trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn sớm có thể được điều trị khỏi. Do đó, có rất nhiều nghiên cứu đã và đang được thực hiện để tìm ra phương pháp chẩn đoán được ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm.

Các phương pháp phát hiện sớm ung thư buồng trứng

Khám phụ khoa thường xuyên:

Khi khám phụ khoa, bác sĩ có thể đánh giá được kích thước, hình dạng cũng như mật độ của buồng trứng và tử cung. Việc thăm khám vùng chậu có thể phát hiện sớm ung thư phụ khoa ở giai đoạn sớm; tuy nhiên, phần lớn các bướu buồng trứng có kích thước nhỏ rất khó phát hiện dù được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên ngành giàu kinh nghiệm.

Đi khám sớm nếu có triệu chứng nghi ngờ

Ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Ở giai đoạn muộn, bệnh thường có biểu hiện các triệu chứng vay mượn của các cơ quan khác. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: cảm giác bụng to dần hoặc căng tức vùng bụng (do bướu lớn hoặc dịch ổ bụng gây ra), đau bụng, ăn uống khó tiêu hoặc tiểu lắt nhắt. Tuy nhiên các triệu chứng này còn có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác.

Có thể phát hiện sớm ung thư buồng trứng hay không?

Trước khi xuất hiện triệu chứng, bướu có thể đã lan ra khỏi buồng trứng. Ngoài ra, một số loại ung thư buồng trứng có thể lan tràn, gieo rắc các cơ quan lân cận rất nhanh. Việc phát hiện sớm các triệu chứng vẫn có thể giúp chẩn đoán ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm. Nếu các bạn có các triệu chứng trên kéo dài trên vài tuần và không thể giải thích bằng các bệnh lý khác thì bạn phải đi khám ngay, đặc biệt là khám phụ khoa.

Các xét nghiệm dùng để tầm soát ung thư buồng trứng

Các xét nghiệm và khám tầm soát được dùng để phát hiện bệnh trước khi có các triệu chứng lâm sàng. Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để phát triển các xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả khả quan. Siêu âm qua ngả âm đạo và định lượng CA-125 trong máu là hai xét nghiệm thường được sử dụng để tầm soát ung thư buồng trứng.

Siêu âm qua ngả âm đạo là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm phát ra từ đầu dò đặt trong âm đạo để khảo sát tử cung, vòi trứng và buồng trứng. Kỹ thuật này có thể phát hiện được bướu buồng trứng nhưng đôi lúc lại không thể phân biệt đây là bướu lành hay bướu ác. Do đó nếu dùng siêu âm để tầm soát ung thư buồng trứng sẽ phát hiện nhiều trường hợp bướu lành hơn là ung thư.

CA-125 là một protein có trong máu. CA-125 thường tăng cao ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng. Xét nghiệm này thường có ích trong việc theo dõi sau điều trị ung thư buồng trứng vì nồng độ CA-125 trong máu thường giảm sau điều trị và sẽ có khuynh hướng tăng trở lại khi bệnh tái phát. Tuy nhiên, định lượng CA-125 trong máu không phải là một xét nghiệm có giá trị trong tầm soát ung thư buồng trứng.

Có thể phát hiện sớm ung thư buồng trứng hay không?Việc thăm khám vùng chậu có thể phát hiện sớm ung thư phụ khoa ở giai đoạn sớm

Nguyên nhân là do CA-125 có thể tăng trong một số bệnh lý khác ngoài ung thư buồng trứng, bao gồm: lạc nội mạc tử cung, bướu sợi tử cung, xơ gan, viêm nhiễm vùng chậu hoặc trong các bệnh lý ung thư khác như ung thư nội mạc tử cung, vú, phổi và tụy…

Ở những phụ nữ không có bướu buồng trứng, việc tăng CA-125 trong máu thường là do các nguyên nhân khác chứ không phải do ung thư buồng trứng. Ngược lại, không phải tất cả bệnh nhân ung thư buồng trứng đều có nồng độ CA-125 tăng cao.

Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng siêu âm qua ngả âm đạo và định lượng CA-125 trong máu để tầm soát ung thư buồng trứng ở những người có nguy cơ trung bình sẽ dẫn đến việc thực hiện nhiều xét nghiệm và phẫu thuật không cần thiết nhưng lại không làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư buồng trứng.

Vì những lý do nói trên, hiện nay hầu hết các tổ chức y khoa danh tiếng trên thế giới đều không khuyến cáo sử dụng hai xét nghiệm trên để tầm soát ung thư buồng trứng; có thể sử dụng các xét nghiệm trên để tầm soát ung thư buồng trứng ở những người có nguy cơ cao như có tiền căn gia đình bị ung thư vú, buồng trứng, đột biến gen BRCA1-2 và Hội chứng Lynch.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng
Lớn tuổi.
• Có một hoặc nhiều người thân họ hàng bị ung thư buồng trứng.
• Có mang đột biến ở gen BRCA1 và BRCA2.
• Có mang gen liên quan đến Hội chứng ung thư đại trực tràng không polyp có tính gia đình (hay còn gọi là Hội chứng Lynch).
• Không sinh con.
• Béo phì.


ThS.BS.CKI. ĐOÀN TRỌNG NGHĨA
Ý kiến của bạn