Có thể ngừng tim nếu vui quá

29-06-2014 09:00 | Dược
google news

SKĐS - Cô bé Hannah Bowness-Major không được vui mừng quá mức vì có thể ngừng tim, do cơ thể không sản xuất đủ hormon cortisol

Một trong số những căn bệnh lạ, hiếm gặp và nguy hiểm được y học nhắc đến gần đây là bệnh Addison hay bệnh suy thượng thận. Trong đó tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormon cortisol nên cơ thể có thể “ngưng” bất cứ lúc nào, nhất là phấn khích, vui mừng quá mức.

Vui quá cũng gây nguy hiểm

Đặc thù tuổi thiếu niên là vui chơi nhưng cô bé Hannah Bowness-Major (13 tuổi ở Cheshire) lại nằm trong danh sách 160 bệnh nhân nhí ở Anh không được phép vui đùa quá mức vì chứng bệnh Addison nan y mà em mắc phải. Tuyến thượng thận của Hannah bị suy nặng, không sản xuất đủ cortisol, loại hormon rất cần cho việc điều hòa huyết áp và hệ miễn dịch cũng như các bộ phận quan trọng khác của cơ thể hoạt động. Nếu nặng, có thể làm cho ngừng tim tức thì.

Hannah Bowness-Major có thể nguy hiểm nếu vui mừng quá mức

Thực tế, Hannah đã trải qua 4 lần tim ngừng đập, phải đi cấp cứu do thiếu cortisol. Hiện tượng thường thấy của bệnh Addison là mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt... Mỗi ngày, Hannah phải dùng tới trên 30 loại thuốc khác nhau. Hiện tại, gia đình em đang quyên góp tiền để mua máy bơm hydrocortisone nhằm cấp đủ cortisol giúp cho cơ thể hoạt động bình thường.

Theo chị Bowness-Major (38 tuổi) - mẹ của Hannah thì khi phấn khích hay vui vẻ quá hoặc lo âu căng thẳng, cơ thể của Hannah lại bị mệt mỏi, khó thở, nôn ói, ngất xỉu và ngã quỵ. Sở dĩ có hiện tượng trên là do cơ thể phải chống đỡ quá trình viêm nhiễm, bởi một khi không đủ cortisol, hệ thống miễn dịch trở nên bất lực. Hannah được phát hiện thấy bệnh năm 2006 nhân dịp đi khám sức khỏe định kỳ. Do mẫn cảm với cảm xúc nên Hannah không thể tham gia các hoạt động vui chơi, không thể đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng, kể cả đi máy bay. Hannah chỉ có thể dùng được một số loại thuốc kháng sinh nhưng lại bị dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, đôi khi còn bị dị ứng cả với cá, đậu, trái cây họ cam quýt, đậu Hà Lan, đậu xanh và một số thuốc chữa bệnh.

Bệnh Addison là gì?

Bệnh Addison được chuyên môn gọi là bệnh suy thượng thận, dạng rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận không làm đúng chức năng, không sản xuất đủ cortison, thậm chí cả aldosterone. Addison được đặt theo tên gọi của Thomas Addison - ông tốt nghiệp ĐH Y khoa Edinburgh (Anh) và là người có công phát hiện ra căn bệnh này lần đầu tiên năm 1849. Bệnh có thể xuất hiện ở cả hai giới, ở mọi lứa tuổi. Người nổi tiếng nhất thế giới mắc phải căn bệnh này là cựu Tổng thống Mỹ J.F Kennegy.

Mỗi ngày, Hannah Bowness-Major phải uống tới 30 loại thuốc khác nhau

Mỗi ngày, Hannah Bowness-Major phải uống tới 30 loại thuốc khác nhau

Theo thống kê, tại Anh hiện có khoảng 8.000 người mắc bệnh, phổ biến ở độ tuổi từ 30 và 50. Khoảng 70% trong số này là do bệnh tự miễn và bệnh lao gây ra. Addison có hai dạng, cấp tính và mạn tính. Nếu là mạn tính thì quá trình sản xuất cortisol diễn ra chậm. Nguyên nhân rất đa dạng, như người trong cuộc mắc bệnh tự miễn hay bị lao thượng thận, do di căn ung thư, nhiễm nấm, giang mai hoặc do dùng thuốc chống đông dẫn đến xuất huyết thượng thận, do tắc động mạch thượng thận (do thai nghén, chấn thương). Ngoài ra còn do rối loạn đông máu, do phẫu thuật cắt cả hai tuyến thượng thận và cả những lý do con người chưa biết. Triệu chứng xuất hiện từ thấp đến cao, người trong cuộc cảm thấy yếu, mệt mỏi, nhất là khi ngủ dậy và kéo dài trong suốt cả ngày, chán ăn, da sạm, gầy yếu, sút cân, thường xuyên ngất do huyết áp quá thấp, hay buồn nôn, nôn, trầm cảm, mất ngủ, cơ bắp teo nhão...

Ở dạng cấp tính, người bệnh thường bị tổn thương tuyến thượng thận nhanh, đột ngột, chảy máu hay viêm phổi... Các triệu chứng thường trầm trọng như đau bụng, đau lưng, đau chân, nôn ói và tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, huyết áp thấp, người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê.

Bệnh Addison có thể phòng tránh và điều trị bằng cách ăn uống và dùng thuốc. Về ăn uống, nên ăn uống đủ chất, hợp vệ sinh, tăng cường protid và glucid, tăng muối 10-20g/24 giờ. Về điều trị nguyên nhân như chống nhiễm khuẩn, đưa đường huyết về bình thường bằng ăn uống và thuốc. Điều trị bệnh huyết áp thấp, hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời để khỏi làm cho làn da xạm thêm.

Bệnh Addison có thể điều trị bằng thuốc thay thế hormon, thuốc hydrocortison (cortisol) hoặc prednisolon... Nhóm thuốc làm tăng tổng hợp protid như nerobol hoặc testosterol 25mg tiêm bắp. Đối với người mắc bệnh lao thì nên dùng thuốc chống lao và kháng sinh nếu bị nhiễm khuẩn. Tất cả những loại thuốc dùng cho nhóm người mắc bệnh Addison cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của chuyên môn, không được tự ý dùng thuốc để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Khắc Nam (Theo Net/DM, 6/2014)


Ý kiến của bạn