Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
1. Đường lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ
Loại virus gây bệnh đậu mùa khỉ cùng họ với virus variola, gây bệnh đậu mùa. Các triệu chứng thường bao gồm: sốt, nhức đầu, đau cơ và đau lưng, các vấn đề về hô hấp (đau họng, nghẹt mũi hoặc ho), sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và phát ban giống như mụn mủ hoặc mụn nước thường xuất hiện trên mặt và/ hoặc tay, chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phát ban thường xuất hiện đầu tiên và một số người có thể chỉ bị phát ban.
Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với phát ban truyền nhiễm, mụn nước hoặc dịch cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng có thể lây lan qua dịch tiết đường hô hấp khi tiếp xúc trực diện kéo dài hoặc tiếp xúc thân mật.
2. Có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ khi cắt tóc, gội đầu ở tiệm không?
Mặc dù bệnh có nguy cơ lây lan qua tiếp xúc gần nhưng một cuộc điều tra của CDC đã phát hiện ra rằng mặc dù virus này có thể làm ô nhiễm các bề mặt như ghế, bàn… nhưng không thể nuôi cấy được. Điều này có nghĩa là nó có thể không gây nhiễm trùng.
Tiến sĩ Syra Madad, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Belfer của Harvard nói rằng các hoạt động có sự tiếp xúc da kề da kéo dài thường có nguy cơ cao hơn nhưng rất may, việc cắt tóc, nhuộm tóc hay gội đầu không thuộc danh mục này.
Tuy nhiên, khi có dịch, nên yêu cầu nhân viên tiệm tóc thực hành vệ sinh tay tốt và các biện pháp phòng ngừa đeo găng tay, kiểm soát nhiễm trùng cơ bản như làm sạch và khử trùng thiết bị sau mỗi lượt khách hàng. Các biện pháp phòng ngừa bổ sung bao gồm đeo khẩu trang và kính bảo vệ mắt sẽ bổ sung thêm một lớp phòng ngừa khác để ngăn chặn sự tiếp xúc từ các giọt bắn từ đường hô hấp trong các tương tác trực diện lâu và gần.
3. Có nguy cơ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ khi làm móng tay không?
Mặc dù cần phải tiếp xúc da kề da trong quá trình làm móng tay hoặc móng chân và thậm chí có thể trò chuyện với kỹ thuật viên khi họ làm móng cho bạn nhưng rủi ro không lớn.
Các chuyên gia nhận định: Một số trường hợp lây truyền qua không khí đã được ghi nhận nhưng là trong các tương tác kéo dài chứ không phải trong các cuộc trò chuyện ngắn ngủi. Khả năng tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ trong tiệm làm tóc, tiệm làm nail, thẩm mỹ viện là thấp, nhưng vẫn cần lưu ý những nơi tiếp xúc với da thường xuyên, khả năng tiếp xúc với vết thương (nếu có) sẽ dẫn đến lây lan bệnh truyền nhiễm tăng lên.
4. Chủ động phòng bệnh đậu mùa khỉ
Cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh đậu mùa khỉ là tuân thủ các biện pháp vệ sinh tốt như rửa tay, khử trùng các bề mặt và đồ dùng như khăn tắm, áo choàng, đồng thời trao đổi với những người mà bạn tiếp xúc gần gũi về các nguy cơ lây nhiễm. Luôn chủ động lưu ý khi tiếp xúc gần với người khác và thực hành các biện pháp vệ sinh tốt nhất.
Để chủ động phòng ngừa bệnh, các nhân viên tiệm tóc, tiệm nail và thẩm mỹ viện nên biết cách tự bảo vệ bằng những biện pháp bảo hộ khi tiếp xúc gần với khách hàng. Ngoài ra, nếu nghi ngờ mình có thể đã tiếp xúc với đậu mùa khỉ, hãy dừng đến tiệm cắt tóc, gội đầu hay làm móng tay cho đến khi khỏi bệnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh đậu mùa khỉ được Bộ Y tế xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B.