TS. Stuart K. Williams và một đội ngũ các nhà khoa học tim mạch tại Đại học Louisville cho rằng họ có thể in một trái tim chức năng 3 chiều trong vòng 10 năm tới sử dụng các tế bào của chính người bệnh. Williams, giám đốc khoa học tại Viện Sáng kiến Tim mạch thuộc trường đại học, tuyên bố rằng trái tim là cơ quan dễ nhất để in sinh học. Chỉ cần một chiếc bơm với các ống nghiệm là những gì bạn cần để kết nối”, ông cho biết.
Các nhà khoa học hướng tới in sinh học một trái tim con người có chức năng hoạt động trong 10 năm tới |
Các nhà khoa học cho biết mục tiêu của họ là cung cấp càng nhiều cơ quan nội tạng mà bệnh nhân cần trong tương lai. In sinh học liên quan đến in các vật liệu sinh học lớp nọ chồng lên lớp kia và tạo ra mô để cuối cùng tạo thành cơ quan nội tạng. Đầu năm nay, các nhà khoa học đã in sinh học gan người đầu tiên, mặc dầu nó nhỏ xíu và chỉ sống được có 5 ngày.
William mô tả tiến trình in một trái tim 3D cho tạp chí Wired như sau: “một bệnh nhân bước vào phòng phẫu thuật và mô được tách ra (chất béo là nguồn tốt nhất) và các tế bào tái tạo được tách riêng ra. Các tế bào sau đó được trộn lẫn với các dung dịch có chứa các phân tử ma trận ngoại bào và các nhân tố khác và được đặt vào trong máy in sinh học. Máy in sinh học sau đó in ra trái tim này”.
Đội ngũ gồm các kỹ sư và các nhà sinh học tim mạch sẽ in một số bộ phận nhất định, chẳng hạn như van tim và các mạch máu lớn nhất riêng rẽ. Mặc dầu mục tiêu của họ là in đồng thời toàn bộ trái tim. Nếu tiến trình này thành công, các nhà khoa học có thể in toàn bộ trái tim trong vòng vài giờ đồng hồ.
Kevin Shakesheff, giám đốc Trung tâm Thiết kế và Kỹ nghệ Mô, Tế bào gốc Wolfson và Trung tâm Diễn đàn Y khoa Tái tạo Anh quốc cho rằng một trong những thử thách lớn nhất cho tham vọng này là đảm bảo trái tim có thể sống lâu. “Mục tiêu của dự án rất vững chắc nhưng cần đẩy nhanh tiến độ để in loại mô phức tạp như vậy, nhằm tạo ra đủ tế bào để in và nuôi dưỡng trưởng thành mô cuối cùng- kết nối tốt giữa các tế bào để giúp trái tim vận hành tốt”, Shakesheff cho biết.
Nguyễn Vân (theo Medical Daily)