Có thể giữ insulin ở nhiệt độ bình thường

11-03-2021 16:07 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu tại Thụy Sĩ chỉ ra rằng insulin có thể bền hơn so với thời gian 28 ngày khuyến cáo trên nhãn khi không bảo quản trong tủ lạnh (ở nhiệt độ thường).

Hiện nay, các chế phẩm insulin trên thị trường được nhà sản xuất khuyến cáo bảo quản ở 2-8 độ C khi chưa mở và ở 25-30 độ C sau khi mở (tới tối đa 28 ngày). Tuy nhiên, điều này là một trở ngại lớn bởi ở nhiều nước (nhiệt đới, cận nhiệt đới) thì nhiệt độ phòng thường cao hơn ngưỡng trên; dẫn tới phải bảo quản trong tủ lạnh.

Để đánh giá vấn đề này đối với các nước đang phát triển, GS. TS. hóa sinh Leonardo Scapozza tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, cùng cộng sự đã phối hợp với nhóm Bác sĩ Không biên giới (MSF) thực hiện theo dõi các chế phẩm insulin ở điều kiện nhiệt độ dao động từ 25 độ C vào ban đêm tới 37 độ C vào ban ngày (điều kiện tương đương nhiệt độ tại Bắc Kenya, một nước nhiệt đới). Sau đó, họ đánh giá hoạt tính, kiểm tra các tình trạng cảm quan của thuốc và so sánh với thuốc được bảo quản trong tủ lạnh trong thời gian tương đương.

Insulin có thể vẫn đảm bảo chất lượng khi không bảo quản trong tủ lạnhInsulin vẫn có thể đảm bảo chất lượng khi không bảo quản trong tủ lạnh.

Kết quả cho thấy không chỉ 28 ngày mà tới 12 tuần sau đó, insulin vẫn không bị giảm chất lượng so với bảo quản trong tủ lạnh ở 2-8 độ C. Điều này giúp nhiều bệnh nhân có thể dùng insulin tại nhà hoặc mang theo khi đi xa kể cả khi không có tủ lạnh để bảo quản.

Nhóm MSF cho biết, trước đây, nhiều người (ở các quốc gia đang phát triển) phải đi hàng cây số để có thể tiêm đủ 2 mũi insulin mỗi ngày bởi họ không có tủ lạnh tại nhà để bảo quản. Điều này gây trở ngại lớn và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của họ. Hy vọng phát hiện này cùng với các chương trình tập huấn kết hợp sẽ giúp họ có thể tự điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, vẫn cần nhấn mạnh là insulin có bản chất protein, nếu tiếp xúc liên tục với nhiệt độ cao (> 37 độ C) thì thuốc vẫn có thể bị hỏng và giảm tác dụng (biểu hiện là có cặn lắng trong ống). Bởi vậy, nhóm vẫn khuyến cáo cần bảo quản tại nơi thoáng mát, có nhiệt độ dao động ngày-đêm.

Cần có thêm các nghiên cứu toàn diện hơn trước khi thay đổi hoàn toàn khuyến cáo trên nhãn. Tuy nhiên, chúng ta có bằng chứng để có thể bảo quản insulin ngoài tủ lạnh. Thực tế là insulin nhạy cảm với cái lạnh nhiều hơn sức nóng. Một khi đã bị đông đá các tinh thể băng tạo từ nước có thể phá hủy hoàn toàn insulin.


DS. Nguyễn Thanh Bình
Ý kiến của bạn