(SKDS) - Tôi 78 tuổi, trước đây 3 năm, tôi đi khám bệnh, bác sĩ kết luận tôi bị nhồi máu cơ tim và cho đơn thuốc điều trị, trong đó có thuốc concor 5 (mỗi viên chứa 5mg bisoprolol fumarat (2:1)). Tôi uống thuốc thường xuyên thấy bệnh thuyên giảm tốt, nhưng khi nghỉ một thời gian thì thỉnh thoảng ngực trái bị đau nhẹ. Vậy tôi có nên tiếp tục dùng concor 5 lâu dài được không và ảnh hưởng của nó?
Phạm Quang Khánh (Gia Khánh, Gia Lộc, Hải Dương)
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Nhồi máu cơ tim (NMCT) là tình trạng tắc một hoặc nhiều nhánh động mạch cấp máu cho tim, gây hoại tử cơ tim. NMCT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hoặc có thể để lại những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim, làm giảm khả năng lao động, giảm tuổi thọ, gây tốn kém về mặt điều trị. Mục đích chính điều trị sau NMCT là: phòng NMCT tái phát; phòng biến chứng suy tim; phòng biến chứng rối loạn nhịp tim. Concor (bisoprolol fumarat) là thuốc chẹn kênh beta giao cảm, là một trong những loại thuốc được khuyến cáo sử dụng sớm cho bệnh nhân sau NMCT, nếu không có các chống chỉ định. Bisoprolol fumarat được nghiên cứu có tác dụng giảm huyết áp, giảm nhịp tim, giảm tỉ lệ tử vong, giảm biến chứng tái phát NMCT. Mỗi loại thuốc đều có các chống chỉ định và tác dụng phụ.
Các chống chỉ định chính là: dị ứng thuốc, suy tim mất bù, nhịp tim chậm dưới 50 nhịp/phút, blốc nhĩ thất, huyết áp thấp, bệnh đường hô hấp mạn tính... Tác dụng phụ hay gặp của thuốc bao gồm: đau đầu, tê tay chân, rối loạn cương dương, chậm nhịp tim, hen suyễn… Bệnh nhân không được tự ý điều trị bằng bisoprolol fumarat nếu không có chỉ định của bác sĩ vì có thể sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Điều trị với thuốc này thường là điều trị lâu dài, liều điều trị tùy thuộc vào đáp ứng của bệnh nhân, dừng thuốc hoặc điều chỉnh liều phải có chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp của bác, nếu không có các chống chỉ định và không gặp tác dụng phụ như trên bác có thể tiếp tục dùng thuốc lâu dài dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Chúc bác mạnh khỏe!
ThS.BS. Phạm Thị Mai Hương
(Khoa Tim mạch, Bệnh viện Lão khoa Trung ương)