Thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy, béo phì ảnh hưởng đến 13,4% trẻ em từ 2-5 tuổi trong giai đoạn 2017-2018. Con số này tăng lên 20,3% ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi.
Theo TS Differding, Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, các nghiên cứu trước đây liên quan đến động vật và người lớn tuổi cho thấy sự gián đoạn trong hệ vi sinh vật đường ruột có thể dẫn đến tình trạng viêm mức độ thấp, góp phần gây tăng cân và béo phì.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hệ vi sinh vật đường ruột (vi khuẩn và các vi sinh khác trong hệ tiêu hóa) của trẻ sơ sinh và chỉ số khối cơ thể của chúng (một thước đo phổ biến về tình trạng thừa cân và béo phì). Việc xác định các yếu tố đầu đời (có thể điều chỉnh được) có liên quan đến tăng cân ở thời thơ ấu sẽ là cơ hội để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ tim mạch và bệnh tim sau này.
Các nhà khoa học đã kiểm tra hệ vi sinh vật từ mẫu phân của hơn 200 trẻ sơ sinh ở New Hampshire, 6 tuần tuổi và 1 tuổi. Sau đó, đo chỉ số BMI cho đến khi 5 tuổi; nhận thấy, với số lượng cao hơn của hai loại vi khuẩn - Klebsiella và Citrobacter - trong phân của trẻ 6 tuần tuổi có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn khi chúng lớn hơn. Điều này cũng đúng với vi khuẩn Prevotella được tìm thấy trong phân của trẻ 1 tuổi.
Hệ vi sinh vật của trẻ sơ sinh có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống và thuốc kháng sinh... Tìm ra cách giảm thiểu hệ vi sinh vật có liên quan đến béo phì có thể giúp chống lại việc tăng cân sau này trong cuộc sống.