Trả lời cho câu hỏi: cơ thể chịu được đến đâu, không hề dễ. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ sức khỏe thể lực, trạng thái cân bằng nước và điện giải, trạng thái cân bằng nhiệt, các bệnh lý kèm theo, mức độ hoạt động thể lực và sự khắc nghiệt của môi trường. Nhưng nhìn chung, về cơ bản, độ chịu đựng của cơ thể phụ thuộc vào thân nhiệt. Khi cơ thể có khả năng điều hòa khống chế không cho thân nhiệt quá cao, thì chúng ta vẫn hoạt động và sinh sống bình thường trong điều kiện nóng. Nhưng nếu cơ thể mất điều hòa, thân nhiệt tăng quá cao thì ngay cả nắng nóng mức độ trung bình cũng đã đủ gây ra các tai biến. Vậy thân nhiệt là gì?
Thân nhiệt là nhiệt độ cơ thể đo đạc được. Nhiệt độ cơ thể chúng ta nói hàng ngày với nhau chính là nhiệt độ đo được ở nách hoặc ở dưới lưỡi. Nhưng kỳ thực, nhiệt độ cơ thể gồm 2 loại là nhiệt độ trung tâm và nhiệt độ ngoại vi. Nhiệt độ trung tâm là nhiệt độ tại các cơ quan nội tạng như não, tim, gan, thận, ruột, cơ. Nhiệt độ trung tâm là nhiệt độ giá trị nhất phản ánh chính xác mức nhiệt độ các cơ quan đang phải hứng chịu. Đặc biệt là não, tim và thận, kể theo trình tự quan trọng từ cao nhất đến thấp nhất. Song không có cách nào có thể đo được loại nhiệt độ quý giá này hoặc việc đo rất phức tạp chỉ có thể tiến hành trong nghiên cứu. Trong thực tế bên ngoài và thực tế tại bệnh viện, người ta quan tâm tới nhiệt độ ngoại vi nhiều hơn.
Nhiệt độ ngoại vi là nhiệt độ trung bình da, được tính trung bình cộng theo một công thức riêng của nhiệt độ da trán, ngực, đùi, cẳng chân và mu bàn tay. Nhiệt độ ngoại vi dễ đo và có thể dùng giá trị này để phán đoán được phần nào nhiệt độ trung tâm đang diễn ra. Bởi theo một nguyên lý rất đơn giản, nhiệt độ trong mà cao thì nhiệt độ ngoài ắt sẽ cao, nhiệt độ trong mà thấp thì nhiệt độ ngoài ắt sẽ giảm (tính thông thường). Nhưng tính nhiệt độ trung bình da vẫn không hữu dụng vì phải đo tới 5 điểm mà trong khi đó cần một giá trị ước lượng nhanh có độ chính xác chấp nhận được. Do đó, người ta đã tìm kiếm nhiệt độ ngoại vi đo điểm là nhiệt độ đo tại nách hoặc đo ở dưới lưỡi gần như là con số cơ sở của mức nhiệt độ trung tâm mà cơ thể đang bị phải chống chọi.
Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng nhiệt độ trung tâm tại các cơ quan nội tạng sẽ cao hơn nhiệt độ nách hoặc dưới lưỡi chừng 0,5 - 10C. Như vậy, khi đo nhiệt độ nách chúng ta có thể phán đoán ra mức nhiệt độ não đang phải gánh chịu bằng cách cộng thêm vào giá trị đo được 1 đơn vị. Sở dĩ ta cần lưu ý tới nhiệt độ tại não vì não là cơ quan nhạy cảm và dễ bị tổn thương bậc nhất dưới thời tiết mùa hè.
Thông thường, não sẽ hoạt động bình thường ở điều kiện nhiệt độ tại não dưới 410C. Bắt đầu từ nhiệt độ 410C trở lên, não sẽ bị rối loạn. Từ 420C trở lên, não sẽ bị tổn thương. Và như vậy, cơ thể chỉ có thể chịu đựng được mức nhiệt độ đo tại nách từ 400C trở xuống (tương đương với mức nhiệt độ 410C trở xuống tại não). Bắt đầu từ 400C, mọi việc trở nên mất kiểm soát. Người ta coi, giá trị nhiệt độ 400C đo tại nách là giá trị tới hạn cơ thể chịu đựng được. Và đó là đáp án cho câu hỏi: cơ thể chịu được đến đâu?
Chúng ta cần lưu ý là nhiệt độ cơ thể chịu đựng được không hoàn toàn đồng nhất với nhiệt độ môi trường. Giá trị nhiệt độ cơ thể chịu đựng được là dưới 400C, nhưng giá trị đó không nhất thiết là nhiệt độ môi trường phải dưới 400C. Vì nếu bạn ngồi tĩnh tại thì mức nhiệt độ môi trường 400C cũng chưa gây ra rối loạn hệ trọng nào. Nhưng nếu bạn làm việc cường độ cao, điều kiện thông khí kém thì ngay tại điều kiện 370C - 380C cũng đã đủ để gây ra say nóng.
Khi hoạt động dưới nắng nóng, thân nhiệt sẽ tăng lên. Người ta gọi trạng thái đó là trạng thái tăng thân nhiệt. Tùy vào mức độ tăng thân nhiệt đến thế nào mà hội chứng bệnh lý xuất hiện khác nhau.
BS. PHÚC HƯNG (Học viện Quân y)
Mời xem tiếp bài 3: 4 hậu quả khi cơ thể bị quá nóng ra ngày 24/7/2015