Vai trò của vitamin B12 với cơ thể
Vitamin B12 là tên chung chỉ các cobalamin hoạt động trong cơ thể như cyanocobalamin, hydroxocobalamin... Chúng có nhiều trong động vật như thịt, cá, trứng, gan... Ngoài ra, trong cơ thể người vitamin B12 được tổng hợp một lượng nhỏ nhờ một số vi khuẩn ở ruột. Vitamin B12 được hấp thu qua đường tiêu hóa hoặc qua đường tiêm.
Các cobalamin đóng vai trò quan trọng là các coenzym đồng vận chuyển và tham gia nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng, trong đó đáng chú ý là quá trình chuyển hóa acid folic và tổng hợp ADN nên rất cần cho sự tổng hợp sinh hồng cầu. Ngoài ra, vitamin B12 còn tham gia quá trình chuyển hóa lipid và hoạt động bình thường của hệ thần kinh.
Thức ăn giàu vitamin B12.
Khi thiếu vitamin B12 sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu hồng cầu to, viêm đa dây thần kinh, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động khu trú ở chân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin B12 như trong bệnh Biermer, sau cắt đoạn dạ dày ruột, hội chứng kém hấp thu, xơ gan, viêm gan mạn, phụ nữ có thai hoặc sau dùng một số thuốc như neomycin, sodanton...
Do vậy, thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp thiếu máu nhất là thiếu máu hồng cầu to, viêm và đau dây thần kinh, dự phòng thiếu máu ở người bị cắt dạ dày hoặc viêm ruột mạn. Ngoài ra có thể kết hợp với các vitamin khác trong các trường hợp cơ thể suy nhược, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, cho con bú. Chú ý thuốc không được dùng cho người bệnh ung thư, người mẫn cảm với thuốc.
Vitamin B12 có tác dụng tạo DNA, các tế bào máu khỏe mạnh đồng thời cung cấp ôxy đầy đủ cho các cơ quan. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu thì trung bình có đến 15% người bị thiếu vitamin B12 và gần 40% đang ở ngưỡng thiếu hụt.
Dấu hiệu nhận biết khi cơ thể thiếu vitamin B12
Mệt mỏi: Là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu vitamin B12. Nguyên nhân là do cơ thể cần vitamin B12 để tổng hợp tế bào hồng cầu vận chuyển ôxy đến các cơ quan. Nếu không cung cấp đủ ôxy cho các mô tế bào bạn sẽ luôn cảm thấy bị mệt mỏi.
Lưỡi trơn nhẵn và nhạt màu: Lưỡi ở người khỏe mạnh thường có màu hồng tươi và trên bề mặt lưỡi sẽ hơi sần sùi. Tuy nhiên, khi cơ thể thiếu vitamin B12 nghiêm trọng thì bề mặt lưỡi bắt đầu láng mịn và màu sắc cũng nhợt nhạt hơn. Lúc này, vị giác của bạn sẽ bị giảm sút rất nhiều, lưỡi có thể đau rát và ăn thấy mất ngon.
Có cảm giác kim châm: Thiếu vitamin B12 có thể gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là bạn có cảm giác như kim châm ở hai bàn tay, bàn chân. Do đó, nếu có cảm giác kim châm nói trên, bạn cần phải đi khám ngay lập tức để điều trị dễ dàng và kịp thời hơn.
Mất cân bằng, hay bị choáng: Nếu cơ thể không có sự bảo vệ của vitamin B12 thì các dây thần kinh trong tủy sống phân nhánh xuống các chi sẽ bị giảm thiểu chức năng hoạt động. Do đó, khi thiếu vitamin B12 thì cơ thể không còn làm chủ hoàn toàn bước đi nên đôi khi sẽ dẫn đến hiện tượng loạng choạng, vấp ngã, run rẩy, thậm chí còn choáng váng, chóng mặt. Do đó, nếu cơ thể có triệu chứng này thì không nên bỏ qua mà bạn phải theo dõi thật kỹ để phát hiện bệnh kịp thời.
Cảm giác bất thường: Khi bị thiếu vitamin B12 bệnh nhân cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc từ đầu đến chân hoặc cảm giác bị tê cứng hoặc bồn chồn. Những cơn đau lạ là hậu quả của những tổn thương do thần kinh gây ra do nồng độ ôxy trong tế bào quá thấp.
Da kém hồng hào: Khi thiếu vitamin B12 có thể khiến da trở nên xanh hoặc vàng nhợt. Bởi thiếu vitamin B12 dẫn tới thiếu máu, khi đó các tế bào hồng cầu cũng trở nên yếu và rất dễ vỡ, giải phóng ra thành phần bilirubin khiến cho da có màu vàng nhợt.
Suy giảm trí nhớ: Khi thiếu vitamin B12 cũng dẫn tới khả năng ghi nhớ suy giảm. Hiện tượng này không chỉ gây phiền phức trong sinh hoạt hàng ngày mà nó còn ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng công việc và học hành. Nguy hiểm hơn, nếu để lâu có thể kéo theo căn bệnh đãng trí, kém trí nhớ...
Dễ căng thẳng và hay khóc: Thiếu vitamin B12 sẽ gây ảnh hưởng đến việc sản xuất chất serotonin và dopamine, một loại dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng. Từ đó, gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe tinh thần, nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm hoặc chứng bất an, lo lắng, dễ xúc động... Do đó, bổ sung đầy đủ B12 cũng là cách giúp bạn trải qua mỗi ngày vui vẻ và khỏe khoắn hơn rất nhiều.