Thừa nhận các tồn tại, yếu kém của ngành khiến chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng ban soạn thảo kiến nghị duy trì hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm như đa số các nước trên thế giới bởi Việt Nam chỉ dạy 1 buổi một ngày nên số giờ dạy thấp. Nếu giảm xuống 11 năm sẽ khó đảm bảo chất lượng và ở tuổi 17 học sinh chưa trưởng thành thực sự về tâm lý, nhân cách.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ được cho là vẫn cồng kềnh, nặng nề, tốn kém, chưa hiệu quả, gây bức xúc cho xã hội; đề thi chủ yếu coi trọng ghi nhớ kiến thức và ít kiểm tra được năng lực vận dụng; kết quả tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ căn cứ duy nhất vào điểm thi, chưa công bằng đối với người học và còn bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan, cảm tính, nhất là đối với các môn khoa học xã hội; tình trạng quay cóp tài liệu, chép bài của nhau còn khá phổ biến.
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT), thường trực ban soạn thảo đề án cho rằng, thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ ở Việt Nam còn lạc hậu từ mục tiêu đến nội dung, phương pháp, sử dụng kết quả. Ở các nước, công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học phải gắn chặt với các đặc điểm của chương trình, sách giáo khoa, nhất là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở trường phổ thông.
Vì vậy, ban soạn thảo đề án đề xuất đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cụ thể, cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục THPT theo hướng tăng cường phân hóa, định hướng nghề nghiệp, việc công nhận tốt nghiệp THPT phải dựa trên kết quả đánh giá cả quá trình về phẩm chất, năng lực của học sinh, kết hợp với kết quả đánh giá cuối cấp học.
Kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp), đề sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết một vấn đề chung theo hai lĩnh vực lớn là khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên, hoặc cũng có thể chỉ thi môn Toán và Ngữ Văn.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết giáo dục sẽ đổi mới từ thiết kế nội dung chương trình sách giáo khoa đến phương pháp giảng dạy, thi cử. Các trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh. |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phân tích, về mặt lý thuyết, đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phải đi trước rồi mới đến đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho đề án này vẫn đang được làm đồng thời. Riêng môn Ngoại ngữ đã đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đang triển khai ở những nơi có đủ điều kiện.
"Chương trình hiện quá tải không phải do nhiều kiến thức hoặc cao quá. Nguyên nhân là do hiện chỉ có một bộ sách giáo khoa, người viết muốn đảm bảo tính khoa học thì trình bày các môn phải chặt chẽ, logic, nên một số kiến thức hàn lâm dù không thực sự cần thiết nhưng vẫn phải đưa vào", ông Hiển nói.
Mặt khác, chương trình bị cắt khúc, lớp trên - dưới và giữa các môn không liên thông với nhau nên một phần kiến thức bị thừa. Mục tiêu giáo dục là toàn diện, chưa chú ý đến tính phân hóa, học sinh học tất cả các môn như nhau, giáo viên coi trọng trang bị kiến thức nên cố gắng nhồi nhét khiến việc học trở nên nặng nề.
"Thiết kế chương trình đang gây quá tải. Các yếu tố như cơ sở vật chất thiếu, tính thực hành ít, đội ngũ giáo viên năng lực hạn chế, phương pháp dạy học lạc hậu cũng làm việc học nặng hơn. Trong đề án đổi mới, tính hàn lâm trong nội dung sẽ được cắt, các môn học sẽ được tích hợp, phân ra theo định hướng nghề nghiệp của các em", Thứ trưởng Hiển nói.
Như vậy, sau năm 2015, ngành giáo dục chỉ chọn một số môn cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh biết giải quyết các vấn đề và tình huống trong cuộc sống thường nhật. Số môn học sẽ giảm mạnh, mỗi học kỳ học sinh không học cùng lúc quá 8 môn. Cụ thể thay đổi như sau:
Cấp học | Chương trình hiện hành | Chương trình sau năm 2015 |
Tiểu học | 11 môn học 3 hoạt động | 3 - 6 môn học 4 hoạt động |
THCS | 13 môn học 4 hoạt động | 8 môn học 4 hoạt động |
THPT | 13 môn học 5 hoạt động | 3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11 và 12). |
Thứ trưởng Hiển cho biết, trong điều kiện linh hoạt hiện nay, Bộ sẽ phát huy tính tự chủ, giao lại quyền cho các cơ sở giáo dục và chỉ giám sát, quản lý về mặt nhà nước. Các trường được tự do về mặt học thuật, chỉ cần làm đúng theo hành lang pháp luật chứ không phải theo sự chỉ đạo của cấp trên để phát huy được tính tự chủ, sáng tạo.