Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường cho biết, tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) hay còn gọi là tôm càng đỏ là loài ngoại lai có tác động lớn đến đa dạng sinh học. Loài này rất dễ thích nghi, có sức chịu đựng và phong phú có thể sống trong một loạt các môi trường thuỷ sinh. Nó có nguồn gốc từ Mexico và Hoa Kỳ và hiện đã thiết lập trên khắp thế giới do kết quả của việc du nhập làm thực phẩm.
Các quần thể xâm lấn của loài đã được báo cáo xuất hiện ở châu Âu, châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Tác động bao gồm sự cạnh tranh quyết liệt với tôm bản địa, truyền các bệnh dịch tôm càng, giảm quần thể thực vật thủy sinh cỡ lớn, thay đổi chất lượng nước, ăn thịt và cạnh tranh với một loạt các loài thủy sản, và các tác động tiêu cực đối với ngành nông nghiệp và đánh bắt cá.
Hiện nay, tôm hùm nước ngọt được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ xâm hại. Tôm hùm nước ngọt là một loài xâm lấn thành công, có thể nhanh chóng thiết lập quần thể và cuối cùng trở thành loài chủ chốt của hệ sinh thái. Việc du nhập tôm hùm nước ngọt có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong quần xã thực vật và động vật bản địa.
Tôm hùm càng đỏ gây nhiều nguy hại và không được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Các chế tài của Việt Nam liên quan đến loài tôm hùm nước ngọt
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.”
Việc nhập khẩu, phát tán loài ngoài lai có nguy cơ xâm hại chưa được cấp phép là trái với quy định của pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 246, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có quy định:
“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm, làm cảnh và giải trí chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định”.
Theo Tổng Cục Môi trường, hiện nay, có thể kiểm soát tôm hùm càng đỏ bằng biện pháp cơ học: Bao gồm dùng bẫy, lưới vợt, lưới vây và đánh bắt bằng điện. Đánh bẫy liên tục được sử dụng nhiều hơn đánh bẫy tập trung ngắn hạn, bởi đánh bẫy tập trung ngắn hạn có thể gây ra phản ứng đáp trả của quần thể, chẳng hạn như giảm độ tuổi trưởng thành của tôm non và tăng sản sinh trứng. Thành công trong việc kiểm soát quần thể loài tôm P. clarkii bằng cách loại bỏ chúng đã được ghi nhận ở hồ Naivasha (Kenya); ở đó người ta sử dụng bẫy và loại bỏ tôm ra khỏi thảm thực vật nổi nhằm mục đích phụ hồi lại các thực vật bản địa lớn. Các biện pháp kiểm soát khác có thể kể đến là thoát nước ao nuôi để bắt tận diệt tôm con, chỉnh dòng của các con sông, hoặc xây dựng cơ học hoặc hàng rào điện để hạn chế sự phát tán của loài tôm này.
Biện pháp hóa học: Hóa chất có thể được sử dụng để kiểm soát tôm bao gồm lân hữu cơ, clo hữu cơ và thuốc trừ sâu tổng hợp pyrethroid; những cá thể chịu các mức ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào kích thước của chúng, các cá thể kích thước nhỏ hơn thì bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Một biện pháp hóa học khác là sử dụng pheromone (kích thích tố) đặc hiệu cho tôm càng hoặc thậm chí kích thích tố đặc hiệu loài để bẫy tôm hùm nước ngọt.
Biện pháp kiểm soát sinh học: Phương pháp kiểm soát sinh học có thể bao gồm việc sử dụng các động vật ăn thịt cá, sinh vật gây bệnh, và sử dụng các vi sinh vật sản xuất độc tố, ví dụ, vi khuẩn Bacillus thuringiensis var. israeliensis.