Có thể bị phạt tù khi mua bán rùa để phóng sinh

11-04-2025 17:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc mua bán rùa để phóng sinh vào ao chùa hoặc những khu vực chung quanh khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các cá thể rùa là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho kẻ săn bắt, buôn bán rùa trái phép.

Thả 18 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về rừngThả 18 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về rừng

SKĐS - Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương đã tiến hành tiếp nhận 18 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm từ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.

Cấm mua bán, nhân nuôi rùa tai đỏ

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), hôm nay (ngày 11/4), Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã thu giữ 8 cá thể rùa tai đỏ từ một người bán rong trước cổng một ngôi chùa nổi tiếng của thành phố, sau khi nhận được thông tin từ người dân.

Mới đây tại lễ hội chùa đã Hương đã xuất hiện một số tiểu thương mang hàng trăm con rùa tai đỏ đến khu vực bến đò lối vào chùa để bán. Giá mỗi con rùa từ 80.000 - 100.000 đồng tùy kích thước. Do tâm lý phát tâm phóng sinh, các du khách đã mua giống rùa này rồi phóng sinh xuống thẳng dòng suối Yến, mà không quan tâm đến việc đây là loài động vật phá hoại môi sinh và đã bị cơ quan chức năng cấm.

Có thể bị phạt tù khi mua bán rùa để phóng sinh- Ảnh 2.

Những cá thể rùa bị tịch thu khi bày bán ở cổng chùa.

ENV cho biết, hiện nay, hành vi bày bán rùa tại các cơ sở tâm linh vẫn diễn ra khá phổ biến, lợi dụng thói quen phóng sinh của người dân vào các dịp rằm, mùng 1. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phóng sinh rùa hay bất kỳ loài động vật hoang dã nào không phải là việc thiện, mà ngược lại, đang tiếp tay cho hoạt động săn bắt và buôn bán trái phép diễn ra nhiều hơn.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, rùa tai đỏ được xác định là loài ngoại lai xâm hại, nghiêm cấm phát tán và phải tiêu hủy khi phát hiện. Tùy vào mức độ và số lượng, hành vi nuôi, nhốt, vận chuyển hoặc mua bán rùa tai đỏ có thể bị xử phạt hành chính lên đến 10 triệu đồng.

Việc mua bán rùa để phóng sinh vào ao chùa hoặc những khu vực chung quanh khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các cá thể rùa là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hành vi săn bắt, buôn bán rùa trái phép, ảnh hưởng trực tiếp đến các quần thể rùa trong tự nhiên.

Theo bà Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) các loài rùa hộp lưng đen, rùa đất lớn, rùa răng, rùa ba gờ và rùa núi vàng đều là những loài liệt kê trong Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP) - nhóm hạn chế khai thác, sử dụng.

Các loài này cũng đồng thời thuộc Phụ lục II, Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp. Mọi hành vi tàng trữ, nuôi nhốt, buôn bán các loài rùa không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hoặc đăng ký theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật.

Mua bán rùa có thể bị phạt tù

Gần đây, trên các mạng xã hội lưu truyền hình ảnh một số người ngồi bán rùa ở ven đường. Các đối tượng này thường đội mũ, bị khẩu trang kín mít và che ô, để con rùa trên viên gạch cạnh đường, bán cho người có nhu cầu.

Các đối tượng buôn bán này có thể ngồi cố định tại một địa điểm hoặc di chuyển giữa các địa điểm khác nhau và nhanh chóng bỏ chạy khi phát hiện sự có mặt của cơ quan chức năng.

Bà Hà cũng cho biết, các loài rùa được bán rong tại một số đô thị lớn trên cả nước chủ yếu là rùa răng, rùa núi vàng và rùa núi viền.

Theo quy định hiện hành của pháp luật, rùa răng (Heosemys annandalii), rùa núi vàng (Indotestudo elongata) và rùa đất lớn (Heosemys grandis) đều là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Nhóm IIB Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2020, hoạt động kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo mẫu vật của các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc các Phụ lục CITES và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là "ngành nghề kinh doanh có điều kiện" (Phụ lục IV - số thứ tự 153 và 157). Theo đó, việc kinh doanh các loài rùa này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định tại Điều 29 Nghị định 06/2019/NĐ-CP.

Điều đó có nghĩa là khi thực hiện giao dịch buôn bán, vận chuyển các loài rùa này, bên cạnh việc phải lập Bảng kê lâm sản có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại, người nuôi/kinh doanh cũng phải thực hiện kiểm dịch động vật và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về thú y, môi trường.

Ngoài ra, do hoạt động nuôi, kinh doanh, vận chuyển các loài rùa này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên người nuôi, kinh doanh các loài rùa này cũng BẮT BUỘC phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP và xuất hóa đơn khi buôn bán động vật hoang dã.

"Người bán sẽ phải lập Bảng kê lâm sản đối với trường hợp là động vật rừng và xin xác nhận Bảng kê lâm sản đó để bán cho người khác và chuyển quyền sở hữu cá thể rùa sang cho người mua... Theo như chúng tôi nhận thấy, nếu không muốn nói là 100% thì cũng phải đến 99% những trường hợp hiện nay đang bán rùa ở lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội hay TPHCM thì không đáp ứng đầy đủ các cái điều kiện trên hoặc thậm chí là không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của các cá thể rùa đang được buôn bán" - bà Hà nhấn mạnh.

Đối với trường hợp buôn bán rùa và các cái loài động vật hoang dã khác mà không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp thì người vi phạm hoàn toàn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân và mức hình phạt lên đến 15 năm tù. Đối với cá nhân tùy theo loài cũng như khối lượng/ giá trị bằng tiền của tang vật vi phạm.

"Thế nhưng, trong trường hợp dù là cá thể động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp nhưng người kinh doanh không đáp ứng điều kiện khác theo quy định của pháp luật thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hoặc là vi phạm những quy định liên quan đến việc đăng ký kinh doanh hay là xuất hóa đơn, với mức phạt có thể lên đến 10 triệu đồng" - bà Hà thông tin.

Khi phát hiện rùa bán rong, người dân cần tỉnh táo, không để lòng thương bị lợi dụng và hãy thông báo với cơ quan chức năng địa phương hoặc là đường dây nóng miễn phí 18001522 để thông tin.

Huế tiếp nhận hàng tỷ đồng bảo vệ động vật hoang dã, được mệnh danh "Kỳ lân châu Á"Huế tiếp nhận hàng tỷ đồng bảo vệ động vật hoang dã, được mệnh danh 'Kỳ lân châu Á'

SKĐS - Việc tiếp nhận viện trợ nhằm thực hiện dự án, giúp tăng cường năng lực, sự tham gia của tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ loài Sao la - loài vật được mệnh danh "Kỳ lân châu Á"...


Tô Hội
Ý kiến của bạn