Có thể áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi

09-03-2014 20:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Giá sữa trên thị trường liên tục tăng khiến người tiêu dùng chịu thêm nhiều chi phí. Trong khi đó, theo quy định của Luật giá, sữa là mặt hàng nằm trong danh sách bình ổn giá và pháp luật đã quy định rõ cơ quan nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá sữa trên thị trường liên tục tăng khiến người tiêu dùng chịu thêm nhiều chi phí. Trong khi đó, theo quy định của Luật giá, sữa là mặt hàng nằm trong danh sách bình ổn giá và pháp luật đã quy định rõ cơ quan nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo SK&ĐS đã ghi lại ý kiến của cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia về giải pháp để quản lý giá sữa hiệu quả hơn.

Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được quản lý chặt về giá. Ảnh: Trần Minh

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính: Nhiều hình phạt nếu tăng giá sữa bất hợp lý

Theo quy định của Luật Giá, sữa là mặt hàng nằm trong danh sách bình ổn giá và pháp luật đã quy định rõ, cơ quan nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nên phải có trách nhiệm xem xét việc tăng giá bán có hợp lý hay không. Nếu không hợp lý, tăng giá bất ổn, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp, đồng thời có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để bình ổn giá trên thị trường. Quan điểm của Bộ Tài chính là quyết liệt làm đến nơi đến chốn việc tăng giá sữa. Hiện nay, 5 đoàn thanh kiểm tra đã tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp sữa xem có chuyện bắt tay cùng tăng giá. Nếu phát hiện trường hợp nào tăng giá bất hợp lý, Nhà nước tịch thu vào ngân sách tất cả tiền chênh lệch mà doanh nghiệp thu được do tăng giá quá mức. Thêm nữa, doanh nghiệp còn bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đang nắm bắt tình hình, các thông tin liên quan, không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá, trong đó có thể tính tới việc áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương: Điều tra việc liên kết chuyển giá sữa

Hiện nay sữa là mặt hàng xếp vào danh sách bình ổn nhưng trên thị trường đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Đối với thông tin về các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá sữa liên tiếp trong thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ đề nghị điều tra. Trước mắt, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để tập hợp dữ liệu, điều tra sơ bộ trong khoảng 30 ngày về việc liên kết chuyển giá sữa. Nếu phát hiện hành vi vi phạm trong cạnh tranh thì Cục Quản lý cạnh tranh sẽ chính thức đệ trình điều tra chính thức trong vòng 180 ngày.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng: Thẩm định chặt, ngăn chặn việc tăng giá sữa bất hợp lý

Nếu thực hiện được việc áp giá trần, người tiêu dùng sẽ an tâm hơn trong vấn đề giá sữa, khi đó không còn lo lắng giá sữa cứ tăng mà không có điểm dừng. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ là biện pháp này có khả thi hay không, bởi lẽ sữa là mặt hàng không thuộc diện Nhà nước định giá. Theo cơ chế thị trường, sử dụng công cụ áp giá trần trong điều kiện nguyên liệu sữa chủ yếu nhập từ nước ngoài, nếu giá nhập nguyên liệu (đầu vào) cao trong khi giá bán (đầu ra) bị trần khống chế, phát sinh lỗ thì liệu doanh nghiệp có tiếp tục kinh doanh mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi? Thay vào đó, để quản lý giá sữa, lúc này người tiêu dùng mong cơ quan có chức năng quản lý giá, với công cụ pháp lý trong tay cần tăng cường quản lý bằng cách yêu cầu doanh nghiệp làm rõ nguyên nhân việc tăng giá, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo cụ thể lý do tăng giá sữa. Trên cơ sở đó tiến hành thẩm định để xử lý việc tăng giá bất hợp lý.

Việc thẩm định là trong tầm tay của cơ quan quản lý, khi ngành hải quan làm thủ tục nhập khẩu phải nắm rõ giá nhập. Ngoài ra còn có vai trò của các thương vụ ở nước ngoài, đặc biệt là việc minh bạch các thông tin có liên quan về giá để người tiêu dùng giám sát.

TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế: Chưa có chế tài đủ mạnh về quản lý giá sữa để doanh nghiệp sợ

Vấn đề cốt lõi là xác định thị trường sữa là độc quyền, cạnh tranh hay vừa cạnh tranh vừa độc quyền thì mới xem xét có nên áp dụng giá trần hay không. Nếu doanh nghiệp sữa nào chiếm 30% hoặc 2 doanh nghiệp chiếm 50% thị phần là độc quyền... Trong khi hiện nay thị trường sữa Việt Nam chỉ có 4 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, việc quan trọng là xác định thị phần của 4 doanh nghiệp là bao nhiêu để đánh giá. Nếu các doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn nhưng có sự cạnh tranh với nhau thì nên áp dụng giá trần, nếu không thì không nên áp dụng. Vì vậy, tùy thuộc vào thị trường để cơ quan quản lý lựa chọn biện pháp hợp lý.

Theo quan điểm của TS. Long, trách nhiệm quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, doanh nghiệp muốn tăng hay giảm đều phải qua tay cơ quan quản lý giá từ khâu bán buôn đến bán lẻ. Có một thực tế, thời gian qua giá sữa chưa có chế tài nào đủ mạnh để doanh nghiệp sợ, họ vẫn cứ tăng dù bị cơ quan quản lý “tuýt còi”.

Hoàng An (ghi)


Ý kiến của bạn