1. Nguyên nhân gây co thắt thực quản
Hiện nay chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng co thắt thực quản. Tuy nhiên đây được xem là một rối loạn vận động bất thường của các dây thần kinh kiểm soát các cơ bắp vận động trong quá trình nuốt thức ăn. Một số yếu tố có thể dẫn tới bệnh lý này bao gồm:
- Sử dụng các loại thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng hoặc đồ uống như rượu vang đỏ.
- Người đang điều trị ung thư hoặc thực hiện phẫu thuật thực quản, xạ trị ở đầu, ở cổ.
- Người có sẹo hoặc bị hẹp thực quản.
- Người bị bệnh trầm cảm hoặc thường xuyên lo lắng.
Như vậy có thể thấy co thắt thực quản là tình trạng tương đối hiếm gặp. Tình trạng này có xu hướng xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 60 tới 80.
2. Triệu chứng co thắt thực quản
Co thắt thực quản có thể xảy ra trong hai hình thức:
- Co thắt thực quản lan tỏa. Những người có trải nghiệm co thắt thực quản lan tỏa, cơn co thắt liên tục trong các cơ thực quản thường được đi kèm với nôn thức ăn hoặc chất lỏng.
- Co thắt thực quản cục bộ. Những người có trải nghiệm co thắt thực quản cục bộ đau mạnh trong cơ thực quản. Trong hai loại co thắt thực quản, co thắt thực quản cục bộ ít có khả năng gây nôn.
![Co thắt thực quản: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1. Co thắt thực quản: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/324455921873985536/2024/6/17/trao-nguoc-da-day-thuc-quan-17186080665341306137631.jpg)
Đau tức ngực là một trong những biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng co thắt thực quản
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà co thắt vùng thực quản được biểu hiện qua các triệu chứng như:
- Nuốt nghẹn: Cảm thấy khó khăn khi nuốt thức ăn, cảm giác như có thứ gì đó chặn ngang thực quản, gây ứ nghẹn khó chịu.
- Đau tức ngực: Đây là một trong những biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng này. Người bệnh có thể cảm nhận được các cơn đau nặng ở phần xương ức, có thể lan ra vùng cổ và sau lưng. Cơn đau có thể gia tăng khi người bệnh nằm ngửa hoặc nằm nghiêng.
- Ợ nóng: Người bệnh thường xuyên có cảm giác khó chịu và nóng rát ở vùng họng, xương ức, ngực… Đây là dấu hiệu axit dạ dày bị trào ngược, gây kích thích thực quản.
- Ợ trớ: Đây là tình trạng thức ăn trào ngược lên họng mà không gây cảm giác buồn nôn cho người bệnh.
3. Co thắt thực quản có lây không?
Co thắt thực quản thường xuất hiện bất thường và nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi về việc xếp vào nhóm rối loạn vận động thực quản vì vậy co thắt thực quản không lây nhiễm.
4. Phòng ngừa co thắt thực quản
Bệnh lý co thắt thực quản chưa rõ nguyên nhân nên gần như không thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng và lối sinh hoạt khoa học dưới đây để tránh tác động tiêu cực lên đoạn đầu của ống tiêu hóa, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh co thắt thực quản:
- Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì chỉ tập trung vào 3 bữa chính
- Tăng lượng chất xơ trong mỗi bữa ăn
- Chế biến thức ăn đơn giản, tránh ăn đồ quá lạnh hoặc quá nóng
- Duy trì cân nặng ở mức phù hợp
- Hạn chế rượu bia và đồ uống có cồn
- Không nên nằm ngay sau khi ăn no
- Tránh xa thuốc lá và chất kích thích
- Nên mặc quần áo thoải mái, không quá bó sát cơ thể
- Duy trì lối sống tích cực, lạc quan, tránh stress và căng thẳng quá mức
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ
5. Điều trị co thắt thực quản
Hiện nay chưa có biện pháp nào điều trị co thắt thực quản. Các biện pháp điều trị hầu hết đều nhằm mục đích là giảm áp lực lên trên cơ vòng thực quản. Trong đó phẫu thuật cắt cơ và giãn nở cơ thực quản đang được xem là những phương pháp mang lại hiệu quả cao để điều trị bệnh.
Bên cạnh đó phương pháp sử dụng thuốc hoặc tiêm botox cũng có thể được chỉ định nếu như bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật hoặc không chọn lựa phẫu thuật, cụ thể các biện pháp như sau:
Giãn nở cơ thực quản bằng sử dụng khí nén: Phương pháp sử dụng áp suất không khí để phá vỡ các sợi cơ vòng thực quản dưới. Nếu được thực hiện đúng liệu pháp này sẽ mang lại hiệu quả tốt và lâu dài. Tuy nhiên giãn nở cơ thực quản cũng có thể gây biến chứng đục thủng thực quản rất nguy hiểm.
Phẫu thuật cắt cơ: Đây là thủ thuật xâm lấn khiến các sợi cơ của cơ vòng thực quản dưới phân tách. Phẫu thuật cắt cơ sẽ được thực hiện cùng với phẫu thuật bao đáy vị nhằm ngăn chặn sự tiến triển của trào ngược thực quản.
Tiêm Botox: Thực hiện các mũi tiêm vào thực quản bằng nội soi nhằm điều trị tình trạng co thắt thực quản. Phương pháp có ưu điểm là ít tác dụng phụ, người bệnh hồi phục nhanh chóng, nguy cơ biến chứng và phản ứng phụ ít. Tuy nhiên nhược điểm của biện pháp này là có thể tái phát và người bệnh thường phải thực hiện tiêm lại nhiều lần.
Điều trị bằng thuốc: Đây là phương pháp có thể không mang lại hiệu quả cao như phẫu thuật. Tuy nhiên biện pháp này cần thiết với những bệnh nhân không thể thực hiện việc phẫu thuật hay điều trị bằng Botox. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn như: Thuốc nitrate, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần,...
Phẫu thuật: Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản là biện pháp sau cùng được chỉ định thực hiện với các trường hợp nặng.
Để có thể cải thiện tình trạng co thắt thực quản, người bệnh cần tránh tình trạng căng thẳng trong các bữa ăn. Đồng thời nên chọn các thức ăn mềm, lòng, chia thành các miếng nhỏ để việc nuốt được dễ dàng hơn. Co thắt thực quản có thể gia tăng nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư nên người bệnh cần tái khám thường xuyên để có biện pháp theo dõi và điều trị phù hợp.