Co thắt thực quản lan tỏa dùng thuốc gì?

30-07-2021 15:20 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Co thắt thực quản (DES) là bệnh lý thực quản hiếm gặp. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh chưa được biết rõ ràng.

hinh ảnh co thắt thực quản.

Hỏi: Tôi hay bị đau thắt ngực. Năm ngoái tôi đã đi khám và được chẩn đoán đau do co thắt thực quản lan tỏa. Sau đó bác sĩ có cho dùng thuốc một đợt thì đỡ đau. Thời gian gần đây tôi hay bị đau tái phát và rất khó chịu. Xin hỏi có thuốc nào dùng để trị dứt điểm bệnh này không?

Trần Văn Thêm (Hải Phòng)

Co thắt thực quản (DES) là bệnh lý thực quản hiếm gặp. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của bệnh chưa được biết rõ ràng. Các triệu chứng cũng mơ hồ và khó chẩn đoán cho nên thường không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể được điều trị nội khoa hay ngoại khoa, có thể kết hợp điều trị tâm lý (nếu có).

Co thắt thực quản lan tỏa dùng thuốc gì? - Ảnh 1.

Co thắt thực quản gây ra đau thắt ngực lan tỏa.

Biểu hiện ban đầu ở bệnh nhân bị DES giống như các bệnh nhân đau ngực không rõ nguyên nhân. Bệnh nhân bị DES thường lo lắng và phàn nàn đau ngực xảy ra mỗi khi nuốt thức ăn, làm việc quá sức và một thay đổi một số tư thế nhất định. Bệnh cũng được mô tả như có một vật đè nặng lên vùng sau xương ức, cơn đau lan toả từ cùng dưới hàm xuống cánh tay hoặc là đau lan ra vùng sau xương bả vai… Triệu chứng thường tăng lên những lúc căng thẳng, nhưng giảm khi tập thể dục. Các triệu chứng khác bao gồm: Nuốt nghẹn, ợ nóng và đau ngực không liên quan đến tim mạch.

Về thuốc điều trị, do bệnh không có nguyên nhân rõ ràng, nên chỉ dùng thuốc điều trị triệu chứng.

Co thắt thực quản lan tỏa dùng thuốc gì? - Ảnh 2.

Co thắt thực quản lan tỏa nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Những bệnh nhân bị nuốt nghẹn thì nên tránh sự căng thẳng trong bữa ăn. Nếu có dấu hiệu trào ngược dạ dày - thực quản hoặc có bằng chứng về test chức năng thực quản thì nên điều trị trào ngược dạ dày - thực quản, như: Thuốc điều hòa vận động (metoclopramid, domperidon, sulpirid, metopimazin...); thuốc baoor vệ niêm mạc dạ dày - thực quản (alginat, dimeticol...), thuốc băng se niêm mạc, thuốc kháng acid...

Một số loại thuốc cũng có tác dụng cải thiện tình trạng nuốt nghẹn và đau như: Thuốc kháng tiết cholin, thuốc giãn cơ trơn, thuốc an thần…

Trong chế độ sinh hoạt, nên ăn thức ăn mềm, lỏng và chia nhỏ miếng giúp dễ dàng nuốt hơn.

Do nguyên nhân bệnh sinh chưa rõ ràng, chẩn đoán và lựa chọn phương pháp điều trị còn khó khăn. Việc điều trị tùy thuộc vào từng người bệnh cụ thể. Vì vậy, tốt nhất bạn cần đi khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được dùng thuốc thích hợp.

Đặt câu hỏi

Loading...

Xem tiếp
ThS. Nguyễn Bạch Đằng
Ý kiến của bạn