Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc đã triển khai các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; chú trọng bảo đảm cho đàn gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở các khu vực đặc biệt khó khăn... Ngoài ra, một số địa phương còn chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương.
Tỉnh Lào Cai đang có rét đậm, rét hại bao phủ diện rộng, kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao gây mưa, mưa nhỏ ở một số xã thuộc các huyện, thị xã vùng cao như Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và thị xã Sapa. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu ngành y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để xử lý kịp thời trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thay đổi bất thường gây ra. Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền cho người dân bảo vệ sức khỏe, giữ ấm cơ thể những ngày giá rét; khuyến cáo nhân dân không đốt củi, than đá sưởi ấm tránh sự cố cháy và khói độc...
BS. Phạm Lê Trung, Giám đốc BVĐK thị xã Sapa, Lào Cai cho biết, nhiều năm qua, bệnh viện đã trang bị đầy đủ thiết bị sưởi ấm phục vụ bệnh nhân đến khám và điều trị. Bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ chăn, ga, gối với số lượng lớn đủ cung cấp và thay giặt hàng ngày. Lãnh đạo bệnh viện phân công nhiệm vụ các khoa, phòng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống rét cho người bệnh, đảm bảo người bệnh được cung cấp dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất trong điều kiện thời tiết rét lạnh như hiện nay. Đồng thời, trước khi đưa vào sử dụng, các thiết bị đã được chúng tôi kiểm tra, bảo dưỡng. Cán bộ y tế cũng thường xuyên nhắc nhở người bệnh, người nhà bệnh nhân chú ý an toàn khi sử dụng các thiết bị điện.
Khoa Nhi, BVĐK thị xã Sapa hiện có khoảng 40 bệnh nhi đang điều trị, chủ yếu trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phế quản phổi, viêm phổi. Khoa Nhi hiện có 60 giường bệnh thực kê, được trang bị 25 máy sưởi dầu. Bởi vậy, dù nhiệt độ ngoài trời rất lạnh, gió buốt, sương mù, nhưng trong phòng bệnh luôn ổn định nhiệt độ khoảng 22 độ C. Trên giường bệnh, người thân và các cháu nhỏ cũng được giữ ấm thêm nhờ đệm, chăn ấm. Khoa Hồi sức cấp cứu, phòng cấp cứu luôn bật sẵn điều hòa ấm áp để kịp thời phục vụ người bệnh; phòng bệnh nhân cũng được trang bị điều hòa nhiệt độ hoặc máy sưởi dầu.
Trang bị đèn sưởi phòng chống rét tại buồng bệnh trong ngày lạnh
Tại BVĐK huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đợt rét đậm, rét hại nhiệt độ giảm sâu kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện. Số bệnh nhân đến khám và điều trị do thời tiết giá lạnh tăng đáng kể, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 250-300 lượt khám, tập trung chủ yếu tại các khoa Nhi, Tim mạch, Tai Mũi Họng, Hô hấp... Số người già bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đột quỵ, xương khớp nhập viện tăng khoảng 25% so với những ngày thời tiết không giá lạnh. Trước đó, ngay từ đầu mùa đông bệnh viện đã có nhiều biện pháp phòng, chống rét cho bệnh nhân nội, ngoại trú đến khám và điều trị tại viện. Để hạn chế ảnh hưởng do thời tiết giá lạnh gây ra cho bệnh nhân nội trú, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu tất cả các khoa, phòng rà soát cấp đủ đệm, chăn ấm cho từng giường và duy trì tăng cường thiết bị sưởi trong phòng bệnh.
Bên cạnh đó, BVĐK huyện Mèo Vạc cũng lên kế hoạch chuẩn bị đầy đủ thuốc, giường bệnh, trang thiết bị phương tiện, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do nhiệt độ xuống thấp như tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch não, đột quỵ, sốt, viêm đường hô hấp cấp...
Trong thời gian tới, thời tiết vẫn còn diễn biến bất thường, các đợt rét đậm, rét hại kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người già và trẻ em... BVĐK huyện Mèo Vạc tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các khoa, phòng phải đảm bảo việc phòng chống rét cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh; đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do thời tiết lạnh giá.
Tại Nghệ An, những ngày gần đây, do không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ hạ thấp nên số lượng trẻ mắc bệnh đến điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tăng đột biến. Theo thống kê của Bệnh viện Sản Nhi thì vào ngày thường, số lượng trẻ đến khám, điều trị dao động từ 800 - 1.000 người/ngày. Những ngày giá rét, số trẻ đến khám, nhập viện tăng lên vào khoảng 1.200 - 1.500 người/ngày. Các bệnh lý bệnh nhi mắc phải chủ yếu về đường hô hấp như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm họng, bệnh đường tiêu hóa và các bệnh có xu hướng dịch ví dụ như sốt virus, cúm, thủy đậu... Riêng các bệnh lý về đường hô hấp chiếm khoảng 70% bệnh nhân đến khám ở đây. ThS, BS. Đậu Thị Hội - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thông tin.
Còn tại Bệnh viện HNĐK tỉnh Nghệ An, số lượng bệnh nhân tuy không tăng mạnh nhưng số ca nhập viện trong tình trạng nặng lại tăng đáng kể, chủ yếu là người cao tuổi. Nếu như ngày thường, ở Khoa có khoảng 160 bệnh nhân nhập viện, thì vào ngày giá rét này số bệnh nhân nhập viện khoảng 210 người/ngày.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế, các bệnh viện của tỉnh Nghệ An đã tăng cường thiết bị sưởi ấm tại buồng bệnh, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư tiêu hao sẵn sàng điều trị và cấp cứu bệnh nhân.