Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng “bẩn” sẽ bị dẹp bỏ

18-04-2016 07:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Qua những đợt kiểm tra gần đây của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, có những công ty chỉ có mỗi văn phòng, không có nhà máy sản xuất nhưng cũng công bố sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN). Hiện Cục ATTP đang dự thảo tài liệu để ban hành thông tư siết chặt quản lý lĩnh vực này. Theo đó, các cơ sở sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) mới được chứng nhận tiêu chuẩn. Động thái này của cơ quan chức năng nhằm siết lại thị trường hỗn loạn về TPCN, với hơn 20.000 mặt hàng được công bố nhưng nhiều mặt hàng không đạt chất lượng.

Công bố “trên trời”, chất lượng nửa vời

Bộ Y tế vừa cho biết, qua kiểm tra đồng loạt của cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều sai phạm về chất lượng sản phẩm TPCN như: hàm lượng không đúng như đăng ký, có sản phẩm nhiễm vi sinh vật, vi nấm, quảng cáo sản phẩm không phép... Theo TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), TPCN là một lĩnh vực rất “nóng”, với hơn 20.000 mặt hàng (trong đó khoảng 60% là hàng sản xuất trong nước). Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, phần lớn là sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí khi đoàn kiểm tra của Cục ATTP đến thì không thấy văn phòng của công ty đã đăng ký là địa chỉ công bố TPCN đâu vì họ đã chuyển văn phòng sang địa chỉ khác mà không báo cáo, vì vậy Cục đã phải rút giấy phép kinh doanh mặt hàng này của công ty “ma” đó.

“Do chưa có quy định bắt buộc sản xuất TPCN phải theo tiêu chuẩn GMP, thế nên có những doanh nghiệp đầu tư rất hiện đại, quy trình sản xuất rất chặt chẽ ra sản phẩm tốt. Nhưng bên cạnh đó lại có hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thô sơ, trong khi với các cơ sở nhỏ lẻ này thì rất khó để bảo đảm chất lượng, duy trì kiểm tra, kiểm định chất lượng định kỳ, cho ra lò những mẻ TPCN không đảm bảo chất lượng. Như vậy là không công bằng và chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng khó đảm bảo”- ông Phong nêu thực trạng.

Sẽ đóng cửa những cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng không đạt chất lượng.

Vì vậy, vấn đề được đặt ra là để bảo đảm an toàn sức khỏe và quyền lợi cho tiêu dùng, cũng như tạo hành lang pháp lý đảm bảo thị trường công bằng để phát triển cần phải quản lý chặt hơn với những doanh nghiệp không đủ điều kiện về cơ sở sản xuất, những cơ sở cố ý vi phạm, đưa ra thị trường sản phẩm TPCN không đảm bảo, bằng cách áp dụng tiêu chuẩn GMP.

Áp dụng GMP trong sản xuất TPCN: Mũi tên trúng hai đích

Tại hội thảo bàn về vấn đề hướng dẫn thực hành sản xuất tốt TPCN do Cục ATTP tổ chức mới đây, các chuyên gia đều cho rằng, việc áp dụng chuẩn GMP trong sản xuất TPCN không chỉ nhằm đảm bảo chất lượng của TPCN mà còn tạo hành lang pháp lý cho thị trường phát triển một cách công bằng, bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan y tế cũng sẽ quản lý chặt hơn với các doanh nghiệp không đủ điều kiện về cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, ông Phong thẳng thắn cho biết, hiện cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất TPCN, nhưng khi áp dụng GMP chắc chắn có quá nửa số cơ sở này không đảm bảo yêu cầu và muốn được tiếp tục kinh doanh họ sẽ phải nỗ lực hơn nhiều, cố gắng đầu tư và nâng cao chất lượng quản lý hơn nữa.

Với lợi thế Việt Nam có nền y học cổ truyền đứng thứ 2 thế giới, trong khi nguồn dược liệu vô cùng lớn, tuy nhiên ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, muốn phát triển được lợi thế này thì phải có các quy định quản lý chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng, khuyến khích áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật. Còn không, nếu sản phẩm nhiều nhưng chất lượng không tốt thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, bởi theo khảo sát của Hiệp hội TPCN tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có đến 60-70% người trưởng thành có sử dụng TPCN.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, sau khi tài liệu này được ban hành, Bộ Y tế sẽ ban hành nghị định, thông tư để thực hiện. Bộ Y tế yêu cầu tháng 6/2017 sẽ ban hành thông tư này. Tuy nhiên, với tinh thần phải siết chặt quản lý nhưng không được “bóp chết” doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đề xuất lộ trình áp dụng thực hiện để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, đồng thời đưa TPCN ngày càng phát triển tốt hơn, làm tốt mục tiêu dự phòng bệnh tật.


Thái Bình
Ý kiến của bạn