Cơ sở nào cho giá điện 4 hoặc 5 bậc?

06-10-2022 09:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành, đặc biệt là biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ còn 4 hoặc 5 bậc.

Chính phủ thống nhất giảm giá điện đợt 2 do dịch COVID-19Chính phủ thống nhất giảm giá điện đợt 2 do dịch COVID-19

SKĐS - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 180/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) cho khách hàng sử dụng điện.

Hộ dùng nhiều điện sẽ phải trả tăng thêm

Bộ Công Thương vừa có Đề án phương án sửa đổi cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến. Theo đơn vị tư vấn Đề án (Công ty TNHH MTV Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Bách Khoa), đối với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, đề án phân tích các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 1 bậc (giá sinh hoạt đồng giá), 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.

Theo phân tích của đơn vị tư vấn, phương án đồng giá (1 bậc) không áp dụng được trên thực tế khi nhìn vào các mục tiêu định giá như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc.

Cơ sở nào cho giá điện 4 hoặc 5 bậc? - Ảnh 2.

Giá bán điện cần được tính toán hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp

Cụ thể, bậc 1 áp dụng cho 0-100 kWh đầu tiên với giá điện mới là 1.753 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 1.678-1.734 đồng/kWh); Bậc 2 áp dụng cho 101-200 kWh tiếp theo với giá điện mới đề xuất là 2.014 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.014 đồng/kWh); Bậc 3 áp dụng từ 201 – 400 kWh với giá điện mới đề xuất là 2.424 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.536-2.834 đồng/kWh).

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 4 áp dụng từ 401-700 kWh với giá điện mới đề xuất là 2.871 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh); Bậc 5 áp dụng từ 701 trở lên với giá điện mới đề xuất là 3.076 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh).

Trên cơ sở ý kiến của đơn vị tư vấn, Bộ Công Thương đánh giá Đề án được xây dựng trên cơ sở phương pháp luận về tính giá điện phản ánh chi phí, phương pháp phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng điện nên đã dần xóa được việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành và địa phương xem xét cho ý kiến về 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.

Tuy nhiên, trong phương án biểu giá điện 5 bậc, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh. Đồng thời, giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh. Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Đối với phương án biểu giá điện 4 bậc, bậc 1 áp dụng cho 100 kWh đầu tiên; Bậc 2 áp dụng cho kWh từ 101-300; Bậc 4 áp dụng từ 301-700 kWh và bậc 5 áp dụng từ 701 kWh trở lên. Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ), ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 100-200 kWh; 301-400 kWh và trên 700kWh. Giá điện cho các bậc từ 101-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là đơn giản trong áp dụng, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, phù hợp với xu thế cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt tại một số nước trong khu vực. Biểu giá điện 4 bậc sẽ làm giảm bớt một phần tác động tăng tiền điện trong các tháng chuyển mùa với phần lớn các hộ sử dụng điện nằm trong dải sử dụng từ 100-300 kWh.

Tuy nhiên Bộ Công Thương cũng cho rằng, phương án 4 bậc sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng, nhưng tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng là không lớn, mức tiền điện tăng thêm chỉ tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%. Đồng thời, phương án 4 bậc sẽ có tác dụng thấp hơn trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.

Phải đảm bảo giá điện bình quân không đổi

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, phương án biểu giá luỹ tiến 5 bậc thang cải tiến từ 6 bậc thang hiện hành chưa chứng minh được nguyên tắc cơ bản tổng doanh thu điện sinh hoạt tính theo giá bình quân bằng tổng doanh thu tính theo từng bậc thang.

"Việc áp dụng giá 5 bậc có cải tiến hơn 6 bậc đang áp dụng nhưng chưa chứng minh được sự cốt lõi là đảm bảo giá điện bình quân không đổi", nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nhận xét. Chưa kể, việc tính giá điện nhiều bậc chứa đựng nhiều yếu tố khó kiểm soát, lập lờ, thiếu minh bạch.

TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, cho rằng từ năm 2012 Luật Điện lực sửa đổi đã định hướng cho ngành điện thực hiện theo cơ chế thị trường, song đến nay về bản chất thị trường điện cạnh tranh chưa hoàn thiện đúng nghĩa theo các bước gồm phát điện, bán buôn và bán lẻ cạnh tranh.

Hiện giá điện đang được xác định dựa trên bán lẻ điện bình quân đang được xác định dựa trên Quyết định 24/2017 của Thủ tướng. Mức giá này bao gồm đầy đủ các chi phí đầu vào như phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành… nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư, thực hiện phúc lợi xã hội và hoạt động ổn định, lâu dài.

Tuy nhiên, trên thực tế là dù đã nhiều lần sửa đổi biếu giá bán lẻ điện sinh hoạt (luỹ tiến), song vẫn không thỏa mãn cho người dân. Nguyên nhân là do cách tính giá bán lẻ điện bình quân, khi các cơ quan chức năng chỉ công bố tổng doanh thu và chi phí ngành nhưng không công bố tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc.

"Thực tế là biểu giá sinh hoạt luỹ tiến từ trước đến nay chỉ có lên không khi nào xuống, chưa thể hiện rõ sự minh bạch, chưa tuân thủ nguyên tắc là tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân" - ông Lâm nói.

Điều này có nghĩa là, theo ông Lâm, tổng doanh thu điện sinh hoạt mà ngành điện có được khi chia cho tổng số kWh điện sử dụng, phải bằng mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân đã được phê duyệt, trong khi trên thực tế, từ bậc 3 trở lên người tiêu dùng phải chịu mức giá lớn hơn giá bình quân, nên nếu tiêu thụ điện càng nhiều thì doanh thu của ngành điện sẽ tăng lên.

Với quan điểm này, vị chuyên gia đề nghị cần áp dụng một mức giá bằng với mức giá bán lẻ điện bình quân đã được phê duyệt. Hoặc có thể áp dụng phương án ba bậc thang, gồm nhóm bậc thấp cần có trợ giá, nhóm bằng giá bình quân và nhóm bậc cao để điều hòa giá thay vì 2 phương án đề xuất như hiện nay của Bộ Công thương.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường mong muốn cần sớm đẩy nhanh lộ trình thị trường điện cạnh tranh, giảm bớt thế độc quyền, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng của Bộ Chính trị về giá điện theo thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Đồng tình, ông Lâm đề nghị cần soát xét lại toàn bộ giá điện, đảm bảo công khai, minh bạch, xem xét lại toàn bộ tính hợp lý của các chi phí đầu vào khi tính giá cho tất cả các thành phần và giá thành sản xuất, tính toán đầy đủ các yếu tố ngoại lai và hoàn thành thị trường điện, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp phát điện, cạnh tranh đầy đủ, xoá bỏ độc quyền.

Đầu vào tăng 1-5%, EVN được quyết tăng giá điện: Chuyên gia nói cần cân nhắcĐầu vào tăng 1-5%, EVN được quyết tăng giá điện: Chuyên gia nói cần cân nhắc

Chuyên gia kinh tế cho rằng cần cân nhắc việc để EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng 1 – 5%.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trưa 5/10: Xôn xao thư từ biệt đi về nơi xa của thiếu nữ mất tích, nhắc ba mẹ không cần đi tìm |SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn